Đại hội Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo lần thứ X: Hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2020 | 7:56:55 AM

YênBái - Chưa bao giờ ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đạt được nhiều thành tựu vượt bậc như hiện nay. Những chỉ số giáo dục; những giải thưởng trên đấu trường quốc tế của học sinh; chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới... Đó là kết quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và những ý tưởng đổi mới.

Trao giải Hội thi cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái năm 2019.
Trao giải Hội thi cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái năm 2019.

Có thể nói, thời gian qua, đổi mới trong giáo dục chính trị, tư tưởng đã tạo sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) Yên Bái Minh chứng rõ nhất là, trong nhiệm kỳ qua, các cấp ủy Đảng ngành GDĐT đã quan tâm tổ chức cho toàn thể đảng viên, công chức tham gia nghiên cứu và học tập đầy đủ, nghiêm túc; đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ IX, các kết luận của Ban Bí thư Trung ương, của Bộ Chính trị; các kế hoạch của Tỉnh ủy… 

Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên toàn ngành tự giác xây dựng kế hoạch về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề các năm từ 2016 đến 2020 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII). 

Không dừng ở đó, ngành đã tổ chức hội nghị trực tuyến tại 10 điểm cầu toàn tỉnh với sự truyền đạt của Giáo sư Hoàng Chí Bảo về tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đây có thể coi là bước đột phá trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của ngành và cũng có thể coi là biện pháp tốt để có được những kết quả đáng tự hào cho sự nghiệp giáo dục của một tỉnh miền núi còn nghèo, nhiều khó khăn như Yên Bái. 

Từ các cán bộ, giáo viên của ngành, những bài học hay, việc làm tốt và giá trị thực tiễn từ những câu chuyện về Bác Hồ, đã lan tỏa rộng khắp đến 470 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.

Một dấu ấn đậm nét trong giáo dục chính trị, tư tưởng của ngành GDĐT trong nhiệm kỳ qua là ngành đã tổ chức thành công Hội thi "Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GDĐT học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". 

Hiệu ứng của việc tổ chức Hội thi này là hết sức tốt đẹp. Các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành từ lãnh đạo sở, các phòng GDĐT, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên toàn ngành tham gia vòng cơ sở, hoàn thành phần thi viết bài thu hoạch với 13.900 bài. Các bài viết tham dự đều cho thấy sự hiểu biết thấu đáo về tư tưởng của Người cũng như nỗ lực làm theo lời Bác dạy. 

Trong 7 tháng, Hội thi đã gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành được diễn ra trong tất cả các cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục toàn tỉnh. Hội thi thực sự là diễn đàn sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn đã làm thay đổi mạnh mẽ về ý thức, tư tưởng trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đồng thời, đây cũng là cơ hội để các tập thể, cá nhân rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị.

Thông qua Hội thi giúp các đơn vị trường học phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt việc tốt, tô đậm giá trị hướng thiện của mỗi cá nhân, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng các chi bộ Đảng trong trường học trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ năng lực, phẩm chất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục.

Toàn ngành GDĐT Yên Bái tự hào thông qua phần thi viết về các mô hình và điển hình tiên tiến đã có 82 điển hình và mô hình (trong đó có 36 mô hình và 46 điển hình). 

Những điển hình, mô hình này hoàn toàn từ thực tế tại cơ sở như mô hình "5 ngày tiết kiệm” của Trường Mầm non Hoa Mai, thị xã Nghĩa Lộ; "Xây dựng môi trường học tập thân thiện’’ của Trường THPT Nguyễn Huệ; "Thư viện đạt chuẩn - phát huy văn hóa đọc trong nhà trường” của Trường Tiểu học &THCS Âu Lâu, thành phố Yên Bái; "Ngôi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đầy ắp yêu thương” của Trường Mầm non Hoa Huệ, thành phố Yên Bái.

Rồi mô hình Trường Tiểu học và THCS xã Xuân Lai, huyện Yên Bình trong việc giáo dục học sinh bán trú; mô hình, điển hình "Xây dựng phòng ở văn minh sạch đẹp cho học sinh bán trú” của trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Bản Công, huyện Trạm Tấu; "Trường học nông trại” của Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải).

Phong trào "Dân vận khéo và sáng tạo trong công tác giáo dục’’ của Trường Tiểu học và THCS Tô Mậu, huyện Lục Yên; "Nuôi heo đất vì bạn nhỏ vùng cao đến trường’’ của Trường Tiểu học và THCS Liễu Đô, huyện Lục Yên; tấm gương điển hình của thầy giáo "Nông thôn mới” của Trường THPT Trạm Tấu; tấm gương điển hình "Cõng chữ lên non” viết về thầy giáo Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS An Lương, huyện Văn Chấn…



Giờ học ngoại khóa tìm hiểu về Bác Hồ tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. 

Sau triển khai vòng thi cụm tại các huyện, thị, thành phố và khối các đơn vị trực thuộc 9/9 phòng GDĐT, 2 cụm thi khối đơn vị trực thuộc, Hội thi đã tổ chức vòng chung khảo toàn ngành với các phần thi sân khấu hóa, kể chuyện được dàn dựng công phu; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành và gắn với thực hiện đạo đức nhà giáo, đã tạo được sức lan tỏa không chỉ trong toàn ngành mà còn ra cộng đồng.

Có thể thấy, thời gian qua, công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành GDĐT có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức. Thông qua giáo dục chính trị, tư tưởng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong ngành đã tích cực nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực thực hiện cải cách hành chính, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa... Hơn cả, là đã nâng cao được nhận thức, tư tưởng giáo dục của các nhà giáo. 

Từ đó, xây dựng sự nghiệp giáo dục của tỉnh phát triển toàn diện với hệ thống trường lớp được thu gọn đầu mối theo đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp; giảm trường, giảm điểm trường nhưng tăng về chất lượng và những đầu tư cho giáo dục được tập trung; khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐT được tăng cường từ chính những sáng kiến của các thầy, cô đã được nhận thức đúng đắn cho vai trò trách nhiệm của bản thân với sự nghiệp trồng người; tỷ lệ học sinh mầm non, phổ thông ra lớp, đảm bảo ra lớp chuyên cần được giữ vững; đồng thời, giữ vững và tăng dần các chỉ số về huy động ở mầm non, tiểu học; đảm bảo đúng độ tuổi làm nền tảng giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. 

Đề án nâng cao chất lượng các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 23/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh được triển khai thông suốt. 

Các cơ sở giáo dục tích cực đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá. Công tác tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2017-2020 gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả vượt bậc. 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013-2020; tăng cường ứng dụng và đầu tư công nghệ thông tin cho quản lý và dạy học; tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục... đều tạo được kết quả quan trọng, đáng khích lệ với ngành GDĐT.

Chưa bao giờ ngành GDĐT Yên Bái đạt được nhiều thành tựu vượt bậc như hiện nay. Những chỉ số giáo dục; những giải thưởng trên đấu trường quốc tế của học sinh; chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới... Đó là nhờ sự đồng lòng, sự nhận thức đồng bộ về nhiệm vụ chính trị của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành GDĐT.                                                                                       
Thanh Ba