Đại Đồng - Điểm sáng trồng rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2020 | 1:49:04 PM

YênBái - Trồng rừng đã trở thành nghề chính của đa số người dân xã Đại Đồng (Yên Bình). Nhà nhà trồng rừng và hộ ít cũng có một vài héc-ta, hộ nhiều có đến hàng chục héc ta.

Nhân dân xã Đại Đồng ra quân trồng rừng vụ xuân năm 2020.
Nhân dân xã Đại Đồng ra quân trồng rừng vụ xuân năm 2020.

Đưa chúng tôi đi thăm một số đồi cây ở thôn Làng Đát, nói về phong trào trồng rừng của địa phương, đồng chí Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Yên Bình phấn khởi chỉ về nơi đang diễn ra lễ ra quân trồng rừng vụ xuân và bày tỏ: "Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức ra quân trồng cây, phấn đấu phủ xanh hết đất trống, đồi trọc và đưa trồng rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trước khi bắt đầu vào vụ trồng rừng, xã cử cán bộ xuống các vườn ươm kiểm tra cây giống; đồng thời, mở các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật cho bà con; vì vậy, tỷ lệ cây sống đều đạt trên 95%”. 

Trên quả đồi rộng vài héc-ta được phát dọn sạch sẽ, từng tốp thanh niên nam nữ người cuốc hố, bỏ phân, người trồng cây thật vui vẻ. 

Hiện nay, trồng rừng đã trở thành nghề chính của đa số người dân trong xã. Nhà nhà trồng rừng và hộ ít cũng có một vài héc-ta, hộ nhiều có đến hàng chục héc ta. Mỗi năm, xã Đại Đồng khai thác khoảng 200 ha, thu về hàng tỷ đồng cho nhân dân. Toàn xã, hiện có gần 2.000 ha rừng, đa số là keo, bạch đàn và quế, độ che phủ của rừng đạt 70%. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Bảo ở thôn Đá Chồng là hộ điển hình về trồng rừng ở địa phương. Từ hai bàn tay trắng, sau nhiều năm khai phá đồi hoang, đến nay, ông có trên 30 ha rừng trồng chủ yếu là cây keo. 

Ông Bảo cho biết: "Cuộc sống của cả nhà trông vào mấy quả đồi trồng keo và không có rừng thì gia đình cũng không biết phải làm gì nữa. Năm nào tôi cũng khai thác, trồng mới nên có thu nhập đều đều mỗi năm khoảng 200 triệu đồng”. 

Ở Đại Đồng hiện nay không chỉ trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc mà nhiều hộ còn tìm hiểu khoa học, kỹ thuật để ươm cây giống cũng đem về nguồn thu đáng kể. Hiện, toàn xã có trên 60 vườn ươm; trong đó, có trên 30 vườn ươm lớn thu nhập từ 100-300 triệu đồng/vườn. Cùng với lợi thế từ trồng rừng, những năm qua, nhiều hộ mạnh dạn mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng, đem lại thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Điển hình như Công ty TNHH Hưng Vân ở thôn Hương Lý kinh doanh mặt hàng gỗ nan đã được trên 10 năm. Với 3 máy xẻ, doanh nghiệp có thể sản xuất khoảng 200m khối gỗ/ngày, giải quyết việc làm cho 10 công nhân với mức thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng. 

Với công suất lớn, bên cạnh thu mua nguyên liệu cho bà con địa phương, Công ty còn nhập gỗ ở các xã lân cận, giúp người dân thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Hoàng Phúc Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Vân cho biết: "Với lợi thế vùng nguyên liệu lớn, nên xưởng chúng tôi hoạt động đều, người lao động có thu nhập ổn định”.

Năm 2020, với kế hoạch giao, xã Đại Đồng trồng 200 ha rừng. Nhờ chủ động tuyên truyền và chuẩn bị chu đáo về đất, giống, phân bón nên đến thời điểm này đã trồng được 120 ha.

Đồng chí Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND xã khẳng định sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã: "Chúng tôi quyết tâm trồng rừng vượt kế hoạch đề ra, phấn đấu tất cả những diện tích đất trống đồi trọc đều được phủ xanh; xã sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn, khuyến khích nông dân trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gỗ; từ đó, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, giúp địa phương ngày càng phát triển”.

Hồng Duyên