Lục Yên hỗ trợ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2020 | 1:53:08 PM

YênBái - Để hỗ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Lục Yên đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư từ Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Nhân dân huyện Lục Yên bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân huyện Lục Yên bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Năm 2019, Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư trên địa bàn huyện 29 công trình, gồm 14 công trình đầu tư mới và 15 công trình chuyển tiếp, tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. Một số công trình xây dựng mới là đường xã Minh Chuẩn, vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng; đường thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến, vốn 1,9 tỷ đồng; đường thôn 1, xã Khánh Hòa, vốn 1,8 tỷ đồng; cầu cứng thôn 5, xã Động Quan, vốn 1,5 tỷ đồng; cầu treo thôn Mường Thượng, xã Tô mậu, vốn 1,5 tỷ đồng… 

Kế hoạch năm 2020, Lục Yên sẽ khởi công xây dựng mới đường thôn 3 đi thôn 4 xã Phúc Lợi, vốn 990 triệu đồng; đường thôn Ro, xã Phan Thanh, vốn 1 tỷ đồng; đường thôn 9 đi thôn 11, xã Mường Lai, gần 2 tỷ đồng; đường thôn Cửa Hốc, xã An Lạc, gần 2,2 tỷ đồng… 

Ông Lý Đạt Lam - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: "Toàn huyện 15/24 xã, thị trấn và 15 thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) với 22 dân tộc cùng sinh sống. Là những người thường xuyên gắn bó với cơ sở, tiếp xúc với đồng bào dân tộc, chúng tôi thấy nhân dân rất phấn khởi vì được Đảng, Nhà nước, quan tâm đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… Từ đó, đã làm thay đổi tập quán canh tác, góp phần làm cho nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đổi mới”. 

Cùng với hỗ trợ xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, các dự án phát triển sản xuất cũng được quan tâm đầu tư với kinh phí trung bình 5 tỷ đồng/năm. Huyện đã triển khai kịp thời các dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng; phát triển đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp; bố trí sắp xếp ổn định dân cư; giải quyết đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh… góp phần hình thành vùng lúa thâm canh tập trung chất lượng cao ở các xã: Mường Lai, Minh Xuân, Liễu Đô, Vĩnh Lạc... 

Hàng năm, huyện duy trì diện tích lúa gieo cấy ổn định 7.244 ha, năng suất trung bình đạt 55 tạ/ha/vụ, sản lượng thóc đạt gần 40.000 tấn/năm; diện tích cây ngô gieo trồng trên 5.300 ha, năng suất đạt 36,5 tạ/ha/vụ, tổng sản lượng đạt trên 20.000 tấn/năm. 

Cây công nghiệp ngắn ngày cũng được đưa vào gieo trồng với diện tích trên 2.000 ha/năm. Hiện nay, giá trị kinh tế đất canh tác 3 vụ/ha/năm của huyện đạt trung bình trên 120 triệu đồng/ha/năm, lương thực bình quân đầu người đạt 506 kg/người/năm. 

Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng ĐBKK còn được hưởng các chế độ, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền điện; trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa, được cấp bù học phí; người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội… Năm 2019, huyện đã giảm 7% hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,24%.

Phong Sơn