Trạm Tấu tăng cường phòng, chống cháy rừng thời gian cao điểm

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2020 | 8:09:01 AM

YênBái - Huyện Trạm Tấu có diện tích rừng phòng hộ lớn, với hơn 38.200 ha, tập trung ở các khu vực hiểm trở, đời sống của người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Những vụ cháy rừng ở huyện gần đây thường xảy ra vào tháng 3, tháng 4 nên đây chính là thời gian cao điểm của việc phòng chống.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi với nhân dân về quản lý bảo vệ rừng.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi với nhân dân về quản lý bảo vệ rừng.

Để thực hiện tốt phòng, chống cháy rừng (PCCR) niên vụ 2019-2020, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu đang tập trung phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện: Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ triển khai các phương án PCCR, trọng tâm là làm tốt tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất nương rẫy đúng quy trình kỹ thuật; hướng dẫn nhân dân sử dụng lửa trong sản xuất vì đất sản xuất nằm xen kẽ với đất rừng phòng hộ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng do bất cẩn trong sản xuất. 

Ông Hà Chánh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết: Xã hiện có gần 1.000 ha rừng, chủ yếu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sản xuất. Để thực hiện tốt PCCR, từ đầu niên vụ, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo và Phát triển rừng; phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các thôn, bản; xây dựng kế hoạch PCCR sát với điều kiện thực tế; thành lập các tổ, đội ứng trực tại thôn, bản; sẵn sàng huy động lực lượng ứng cứu khi có tình huống cháy rừng.

Đánh giá công tác PCCR, chính quyền xã Tà Xi Láng đã rút ra một số kinh nghiệm từ thực tế đó là: phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể; huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của những người có uy tín ở cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức của người dân đối với PCCR và bảo vệ rừng.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch PCCR, bảo vệ rừng (BVR) sát với thực tế của địa phương; tổ chức tốt tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân đối với PCCR và tổ chức ký cam kết BVR; quản lý tốt diện tích nương rẫy để có phương án kịp thời không để cháy rừng do đốt nương; phân công nhiệm vụ cho các thành viên  Ban Chỉ đạo bảo vệ và Phát triển rừng phụ trách các thôn, bản; ưu tiên phân công cán bộ phụ trách ở địa bàn cư trú… 

Đặc biệt là phát huy có hiệu quả vai trò của các chủ nhận khoán, BVR; phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tốt việc rà soát, thống kê diện tích nương rẫy nằm trong khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; hướng dẫn nhân dân đốt nương theo quy trình canh tác nương rẫy bền vững; duy trì tốt các tổ ứng trực PCCR ở thôn, bản có diện tích rừng trọng điểm nguy cơ cao cháy rừng.

Thời điểm khô hanh kéo dài, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia ứng cứu khi có tình huống cháy rừng; chủ động theo dõi thời tiết, kịp thời chỉ đạo trưởng các thôn, bản dùng loa cầm tay thông báo cho nhân dân thực hiện tốt các quy định PCCR và BVR… 

Huyện Trạm Tấu có diện tích rừng phòng hộ lớn, với hơn 38.200 ha, tập trung ở các khu vực hiểm trở, đời sống của người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Việc phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình ở mỗi cá nhân, mỗi nhóm hộ và mỗi thôn, bản trong quản lý, BVR, phòng cháy chữa cháy rừng sẽ từng bước nâng cao nguồn tài nguyên rừng phòng hộ thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng cao. 

Ông Trần Ngọc Luận - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Ngay từ đầu niên vụ 2019-2020, huyện đã xác định PCCR là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cũng như mỗi người dân. Theo đó, chúng tôi yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm túc việc ký cam kết; gắn trách nhiệm với người chăn nuôi gia súc ở các bãi chăn thả tập trung; xác định rõ các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao để triển khai các phương án phòng cháy; duy trì tốt chế độ ứng trực tại các thôn, bản; đề xuất với tỉnh bổ sung thêm một số trang thiết bị phục vụ chữa cháy để cung cấp cho các xã; tập trung triển khai mọi giải pháp PCCR hiệu quả nhất”.

Trần Ngọc