Đại Sơn chuyển động nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2020 | 1:50:01 PM

YênBái - Xã Đại Sơn, huyện Văn Yên đã và đang vượt qua không ít khó khăn như địa hình phức tạp do núi cao, dân cư phân tán, chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp với trình độ còn thấp… để có sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới xã nông thôn mới (NTM).

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Yên cùng Tổ bảo vệ rừng thôn Làng Mới, xã Đại Sơn làm đường ranh cản lửa, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô hanh. (Ảnh: Nguyễn Giang)
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Yên cùng Tổ bảo vệ rừng thôn Làng Mới, xã Đại Sơn làm đường ranh cản lửa, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô hanh. (Ảnh: Nguyễn Giang)

Xác định rõ, nông lâm nghiệp là lĩnh vực chủ lực trong phát triển kinh tế, những năm qua, Đại Sơn tập trung khai thác tiềm năng đất đai để tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao giá trị kinh tế. Thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng và thâm canh tăng vụ đối với cây lúa, ngô đưa tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt 1.264 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 370kg/người/năm. 

Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng, chất lượng vùng quế; đến nay, diện tích quế của xã đạt 3.500 ha; hằng năm khai thác gỗ rừng trồng 4.000m khối, quế vỏ khô 700 tấn; duy trì việc khai thác, trồng mới mỗi năm khoảng 200 ha rừng, đảm bảo độ che phủ rừng của xã đạt trên 70%. 

Xã đã thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án về phát triển chăn nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 của Chính phủ, các dự án về giảm nghèo; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085 của Chính phủ với tổng số tiền là 2,688 tỷ đồng. 

Trong xã đã có những hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa khá bài bản, quy mô lớn như: chăn nuôi gà với quy mô 1.000 con trở lên; chăn nuôi lợn rừng đặc sản với quy mô 100 con. Bên cạnh sản xuất nông lâm nghiệp, xã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vươn lên, trong đó ưu tiên ngành nghề chế biến nông lâm sản, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, tận dụng vùng nguyên liệu. 

Hiện, xã Đại Sơn có 1 công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến tinh dầu quế; hàng trăm hộ sơ chế vỏ quế; 3 cơ sở làm cơ khí; 4 cơ sở làm mộc; thành lập 8 tổ hợp tác thu hút hàng trăm lao động giải quyết tốt việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã năm 2020 ước đạt 16,432 tỷ đồng.

Thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; từ đó, đã tạo ra diện mạo mới cho xã ngày càng khang trang và thực sự là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của xã; tổng nguồn vốn huy động xây dựng cơ sở hạ tầng của xã giai đoạn 2015-2020 là 27,9 tỷ đồng. 

Trọng tâm là xây dựng cầu cống, đường sá, trạm y tế, trường học, dự kiến đến hết năm 2020, xã kiên cố hóa được 9,6 km đường bê tông với giá trị hơn 8,1 tỷ đồng; đầu tư xây dựng tuyến đường Đại Sơn-Nà Hẩu với trên 3 km, giá trị 5 tỷ đồng, xây dựng mới 4 cây cầu bê tông trị giá 4,18 tỷ đồng; xây dựng mới trạm y tế xã giá trị 3,2 tỷ đồng; đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học &THCS, trường mầm non là 7,42 tỷ đồng. 

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Đại Sơn đã, đang chuyển mình trở thành xã NTM. Thống kê cho thấy, hết năm 2019, xã đạt 10 tiêu chí; năm 2020 có thêm 2 tiêu chí về NTM.

Tuy nhiên, Đại Sơn vẫn là xã chưa thực sự phát triển; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém; ngoài cây quế, người dân vẫn chưa có những cây, con khác có sản lượng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ… 

Đó là những hạn chế cần được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã sớm khắc phục để đời sống kinh tế - xã hội phát triển, sớm trở thành xã vùng cao đạt chuẩn NTM như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Lê Phiên