Người một chân chạy 10km nhanh nhất thế giới

  • Cập nhật: Chủ nhật, 29/3/2020 | 8:52:05 AM

Sau khi bị thương nặng ở Afghanistan, cựu lính thuỷ đánh bộ Anh Andy Grant phải cắt bỏ một chân, nhưng vẫn tạo ra kỳ tích trong làng chạy bộ.

Grant là người một chân chạy nhanh nhất thế giới.
Grant là người một chân chạy nhanh nhất thế giới.

Grant gia nhập thủy quân lục chiến khi mới 17 tuổi và đóng quân ở Afghanistan, tham gia cuộc chiến chống phiến quân Taliban ở tỉnh Helmand.

Tháng 2/2009, Grant, khi đó 22 tuổi, bị thương nặng sau khi nhóm tuần tra của anh bị tấn công bằng thuốc nổ tự chế ở thị trấn Sangin. Các bác sĩ cứu sống Grant và vẫn giữ được hai chân cho anh. Nhưng do những cơn đau thường xuyên hành hạ và đi lại khó khăn, Grant quyết định cắt bỏ chân phải.

Dù vậy, tinh thần cạnh tranh của Grant lại được kích thích. Chàng trai vùng Liverpool này bắt đầu chạy bộ và giành hai HC vàng tại Invictus Games - giải thể thao cho các binh sĩ Anh bị thương do hoàng tử Harry tổ chức - ở London năm 2013.

Trở lại với lần bị tấn công ở Afghanistan, Ian, bạn thân của Grant, dẫn đầu nhóm tuần tra và vấp phải dây kích nổ. Hai quả bom tự chế phát nổ, hất Ian về phía trước và Grant về phía sau. Ian may mắn không bị thương nặng, nhưng bạn thân của anh thì không như vậy.

"Tôi bị thương 27 chỗ bao gồm mảnh vỡ bắn vào mặt, gãy hai cẳng tay, gãy khuỷu  tay, gãy xương ức, gãy hai cẳng chân. Tình trạng thật tệ", Grant kể lại trên Mirror (Anh). "Năm phút đầu, tôi không hề thấy đau, chỉ hoảng loạn. Đồng đội trấn tĩnh tôi, và sau đó là 35 phút đau đớn. Tôi biết chân phải của mình gặp vấn đề nghiêm trọng".

40 phút sau, Grant được đưa lên trực thăng về một bệnh viện ở Afghanistan, trải qua hai ca phẫu thuật trước khi trở về Anh. Hai tuần sau, Grant tỉnh dậy và anh đã an toàn trong bệnh viện ở Birmingham.

Theo Grant, các bác sĩ ban đầu đưa cho anh lựa chọn từ bỏ chân phải, nhưng họ cũng tự tin có thể chữa được với liệu trình Ilizarov dài khoảng 18 tháng.

"Rõ ràng, tôi không muốn vội vàng từ bỏ một chân nếu không buộc phải làm vậy. Tôi quyết định thử ‘Ilizarov’, về cơ bản là một khung cố định ngoài xung quanh chân. Và phương thức này có hiệu quả", Grant nói. "Phần xương cần lành đã bắt đầu lành. Mọi thứ ổn định, nhưng vấn đề là có quá nhiều cơn đau. Và tôi nhận ra dù chân phải lành, cuộc sống sau đó không phải là thứ tôi muốn".

Là lính thủy đánh bộ, Grant quá quen với tốc độ lên đến 160 km/h. Cuộc sống "chậm như sên" không phù hợp với anh.

Tháng 11/2010, Grant quyết định từ bỏ chân phải. Tại phần gần chỗ cắt, Grant xăm dòng chữ "You’ll Never Walk" – lấy từ tên bài hát chính thức của câu lạc bộ bóng đá Liverpool - You’ll Never Walk Alone. Anh bắt đầu phục hồi chức năng ngay sau Giáng sinh, khi lắp chân giả.

"Tôi mất sáu tháng để tập đi và bắt đầu chạy bộ trở lại", Grant nói tiếp. "Và rồi Jamie Carragher đến chơi. Danh thủ Liverpool này thường thăm tôi trong khi đang phải cạnh tranh danh hiệu với Man Utd".

Hơn nửa giờ trò chuyện với Carragher đã mang lại hy vọng cho Grant, giúp anh tin mọi thứ sẽ tốt hơn.

Cơ duyên với Carragher (trái) giúp Grant tìm thấy sự hứng thú và niềm đam mê chạy bộ. Ảnh: AG.

Cơ duyên với Carragher (trái) giúp Grant tìm thấy sự hứng thú và niềm đam mê chạy bộ. 

Grant và Carragher cùng tập luyện tại phòng gym, nhưng cả hai đều không ngờ có ngày cựu lính thủy đánh bộ lại trở thành một VĐV chuyên nghiệp sau khi được người phụ trách phúc lợi và đào tạo của Liverpool, Clive Cook, mời đến chia sẻ với một nhóm học viên tại học viện.

Cook thách Grant chạy bộ, kích thích tinh thần cạnh tranh của cựu lính thủy đánh bộ Anh.

Năm 2014, Grant giành hai HC vàng cự ly 400 mét và 1.500 mét tại Invictus Games.

"Tôi muốn tham gia Paralympic, nhưng cự ly dài nhất của thế vận hội dành cho người khuyết tật này chỉ là 400 mét. Tôi thích cự ly 5.000 mét và 10.000 mét hơn", Grant chia sẻ.

Grant sau đó bắt đầu tìm kiếm thông tin về những người khuyết tật chạy 10.000 mét. Anh biết đến Rick Ball, người Canada, người bị khuyết tật chân giữ kỷ lục thế giới của cự ly này, và quyết định "phải thử phá kỷ lục đó".

"Tôi không muốn được nhắc tới theo kiểu 'đây là Andy Grant, người bị trúng bom ở Afghanistan'. Câu đó phải là ‘đây là Andy Grant, người chạy 10 kilomet nhanh nhất, và nguyên nhân là do anh ấy bị trúng bom ở Afghanistan. Đừng bao giờ đánh giá tôi hay thấy tiếc cho tôi. Hãy chạy bộ và rồi chúng ta có thể nói chuyện".

Liverpool Harriers, thành lập năm 1882, là một trong những câu lạc bộ chạy bộ lâu đời nhất ở Anh và duy nhất ở Liverpool. Câu lạc bộ đã sản sinh ra nhiều tên tuổi lớn trong làng điền kinh thế giới.

Grant tới Liverpool Harriers và trở thành học trò của Tony Clark, tập luyện trong sáu tháng với cường độ ba lần tập một tuần. Tháng 7/2016, Grant phá kỷ lục của Ball với thời gian 37 phút 17 giây, nhanh hơn runner Canada 36 giây.

"Tôi chắc chắn 100% chạy bộ đã cứu rỗi đời mình", Grant chia sẻ. "Nếu không phải Clive khiến tôi có trách nhiệm với cuộc sống hơn, khiến tôi thực hiện bước đầu tiên, tôi không biết bây giờ mình ở đâu".

Tháng 5/2018, Grant hoàn thành giải Rock ‘n’ Roll Liverpool Marathon, cự ly 42,195 kilomet đầu tiên anh thực hiện.

"Tôi muốn nâng cao hơn nữa thành tích chạy 10 kilomet và sẽ thử phá kỷ lục half  marathon", Grant trả lời khi được hỏi về các dự định trong tương lai. Anh đã cho xuất bản cuốn sách với tựa "You’ll Never Walk" để kể về cuộc hành trình của mình.

"Khi nhìn lại, tôi thấy cuộc sống giống như trò tàu lượn siêu tốc, nhiều đoạn lên đỉnh, xuống đáy. Tàu không ở trên đỉnh mãi và cũng không ở dưới đáy mãi. Một điều cần nhớ là hãy tận hưởng bởi bạn chỉ có cơ hội ngồi trên chuyến tàu đó một lần", phần mở đầu cuối sách có đoạn. 

Phần chân phải bị cắt cụt của Grant.

Phần chân phải bị cắt cụt của Grant. 

Khi được hỏi Grant có tự hỏi cuộc sống hiện tại sẽ thế nào nếu không cắt bỏ chân phải, cựu lính thủy đánh bộ trả lời anh không có mong muốn suy tưởng về điều đó. Quả bom ở Afghanistan đã khiến anh mất khả năng có con. Thông qua một người hiến tinh trùng, Grant giờ có con gái Alba. Anh không muốn thay đổi điều gì.

Theo Independent, dòng chữ xăm trên đùi Grant hiện đã trở thành "You’ll Never Walk Alone".

(Theo VnExpress)