Ở nơi giản dị yêu thương

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2020 | 7:54:39 AM

YênBái - "Bố Cường” - đó là đại từ nhân xưng mà nhiều đứa trẻ ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh dành cho anh Nguyễn Văn Cường, cán bộ Phòng Quản lý giáo dục kiêm Bí thư Chi đoàn, người đã có 7 năm công tác ở nơi này.

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Phạm Công Quyết thăm hỏi người cao tuổi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Phạm Công Quyết thăm hỏi người cao tuổi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm.

Những em nhỏ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, những cụ già cô đơn không nơi nương tựa và nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác - ở một nơi mà công việc đều gắn với những phận đời như thế nên mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh nỗ lực trong công việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng tình yêu thương con người. Ấy cũng là cách giản dị học Bác về lòng yêu thương con người của họ.

"Bố Cường” - nhiều đứa trẻ ở Trung tâm đã gọi anh Nguyễn Văn Cường như vậy, đủ thấy sự gắn bó của những đứa trẻ với anh. 7 năm công tác ở nơi này, hiện là cán bộ Phòng Quản lý giáo dục kiêm Bí thư Chi đoàn, như nhiều cán bộ, nhân viên khác, ở Cường có lòng yêu thương chân thành để có sự đồng cảm với những hoàn cảnh nhiều éo le ở đây, cũng lại có cả sự xông xáo của tuổi trẻ làm chất xúc tác cho công việc của mình thêm tốt hơn.

Giám đốc Trung tâm Phạm Công Quyết cũng nhận định về Cường với những điều như thế. "Trung tâm vừa là nơi tôi làm nhiệm vụ chuyên môn nhưng cũng chẳng khác gì một gia đình lớn. Thế nên, ngoài gia đình nhỏ của mình thì đây chính là ngôi nhà thứ hai của tôi. Ở đây, tôi có rất nhiều con. Các con đã không còn bố còn mẹ, hoàn cảnh rất đáng thương nên mình quan tâm, chăm lo cho các con được phần nào tốt phần đó, giúp các con đỡ tủi thân” - suy nghĩ ấy của Cường là chân thành. 

Nghĩ vậy nên ngoài việc nắm rõ hoàn cảnh đối tượng để có những cách quản lý, giáo dục phù hợp, với Cường, ở nhà chăm sóc các con mình thế nào thì ở đây cũng cố gắng chăm sóc các em nhỏ như vậy và làm thêm được gì cho các em thì làm. 

Cũng bởi vậy, năm 2014, Cường đề nghị cơ quan cho đi học cắt tóc để về trực tiếp cắt tóc cho các em nhỏ tại Trung tâm, vừa tiết kiệm chi phí cho cơ quan vừa gia tăng sự gắn bó của mình với các em nhỏ, còn những đứa trẻ thì luôn thích được "bố Cường” cắt tóc cho. 

Với mong muốn tạo điều kiện cho các em thường xuyên rèn luyện thể thao, xây dựng tình yêu thể thao để các em tham gia những hoạt động lành mạnh, từ năm 2013, Cường đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị thành lập một đội bóng đá mi ni tại Trung tâm do mình trực tiếp phụ trách. Những hoạt động có sự tham gia, hướng dẫn của Cường luôn được các em nhỏ nhiệt tình hưởng ứng, vừa rèn luyện sức khỏe vừa gia tăng sự gắn kết với nhau và với cán bộ Trung tâm. 

Từ những việc làm giản dị, từ những nỗ lực dù nhỏ, từ những chân thành sẻ chia của Nguyễn Văn Cường, lãnh đạo Trung tâm đã chọn Cường để xây dựng mô hình cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Trung tâm để có thể vun đắp, nuôi dưỡng thêm những điều tốt đẹp ấy. 

Ở một nơi công việc đặc thù như nơi này, cần những cán bộ, nhân viên nhiệt huyết như Cường, càng cần hơn những người đứng đầu có thể vun đắp thêm những nhiệt huyết ấy. Hiểu điều này, Giám đốc Trung tâm Phạm Công Quyết cũng dành cho công việc cả lòng nhiệt thành của mình, nhất là trong hoạt động công tác xã hội, những mong có thể cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm mang lại dịch vụ công tác xã hội tốt nhất có thể cho người yếu thế, trợ giúp họ vượt khó vươn lên. 

"Có thể nói, đây là lĩnh vực chuyên môn mới, nhất là với người dân Yên Bái, do đó, tôi xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác xã hội là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Truyền thông qua các hội nghị, qua các phương tiện thông tin đại chúng và việc làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cũng là cách tốt nhất để người dân biết đến Trung tâm chúng tôi, để họ biết rằng ở tỉnh Yên Bái có một nơi như thế, là nơi nuôi dưỡng những người yếu thế trong xã hội, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người dân đang gặp các vấn đề khó khăn không thể tự đảm bảo được cuộc sống” - anh Quyết bộc bạch. 

Muốn chất lượng dịch vụ công tác xã hội nâng cao, quan trọng phải có đội ngũ nhân viên công tác xã hội vững vàng chuyên môn nghiệp vụ. Tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức tại Trung tâm được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo phòng chuyên môn thường xuyên xây dựng nội dung tập huấn cho viên chức Trung tâm về quy trình nghiệp vụ, văn bản ngành liên quan đến công tác xã hội, góp phần nâng cao năng lực là cách mà Giám đốc Quyết xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội đáp ứng yêu cầu công việc. 



Anh Nguyễn Văn Cường (giữa) trong hoạt động thể thao cùng các em nhỏ ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh. 

Hiện, Trung tâm có 5 đồng chí đã hoàn thành chương trình học và có chứng chỉ đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội cấp cao, 4 đồng chí có trình độ đại học công tác xã hội và gần 100% viên chức có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội. 

Từ những nỗ lực của đội ngũ làm công tác xã hội, gần 6 năm qua, từ khi được kiện toàn và đổi tên thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tháng 4/2014, trung bình mỗi năm Trung tâm tiếp nhận và nuôi dưỡng ổn định 90 - 100 đối tượng bảo trợ xã hội, 100% đối tượng tiếp nhận vào trung tâm đều được sàng lọc, đánh giá, phân loại và có kế hoạch chăm sóc phù hợp. 

"Có thể khẳng định, hiện nay, hầu như các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh có nhu cầu được nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm đều được đáp ứng nguyện vọng” - Giám  đốc Phạm Công Quyết cho hay. 

Cùng đó, hơn 600 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa vào quản lý trường hợp tại cộng đồng. Qua đó, nhiều đối tượng được hỗ trợ, kết nối hỗ trợ thụ hưởng chính sách, dịch vụ xã hội, có điều kiện vươn lên khó khăn cuộc sống. 

Đằng sau những con số được kể ra đơn giản ấy thực sự là công sức không nhỏ của đội ngũ làm công tác xã hội của Trung tâm để có thể "phủ sóng” dịch vụ xã hội đến đối tượng thụ hưởng, đảm bảo đúng và đủ diện trên một địa bàn rộng với phần lớn là vùng cao, vùng sâu, vùng xa như Yên Bái. 

Những sát sao trong chỉ đạo, hành động cụ thể trong việc làm ấy của Giám đốc Quyết cũng chính là sự cụ thể hóa mô hình cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nội dung "Nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm và cộng đồng” mà anh thực hiện, đã được Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tuyên dương trong năm 2019. 

"Làm hết trách nhiệm thì đơn giản nhưng làm hết lương tâm thì không hết việc” - tâm niệm ấy của bản thân cũng là phương châm để anh Phạm Công Quyết gắn bó với công việc bằng cả lương tâm của mình trong nhiều năm tháng công tác. 

Ấy cũng là tư tưởng mà Giám đốc Quyết muốn lan tỏa với người lao động ở đây bởi như anh khẳng định: "Trong môi trường công tác này, vững vàng chuyên môn là điều cần thiết, đạo đức nghề nghiệp lại càng cần hơn”. 

Thế nên, mô hình điển hình tiên tiến "Từ lời dạy của Bác đến đạo đức nghề nghiệp” tiếp tục là nội dung mà Giám đốc Quyết thực hiện trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng là một trong những mô hình cá nhân điển hình tiên tiến đăng ký cấp tỉnh của Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trong năm 2020. Hơn hết, với anh Phạm Công Quyết, quan trọng là với vị trí, vai trò của mình, làm thế nào để cùng đội ngũ nhân viên công tác xã hội nói riêng và đồng nghiệp đang công tác tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh nói chung đem lại lợi ích tốt nhất cho đối tượng tại Trung tâm và người dân sinh sống tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội. 

Mỗi cá nhân như thế trong mỗi công việc, vai trò cụ thể, với những việc làm, hành động cụ thể, bằng cả trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp đã cùng nhau vun đắp, lan tỏa những yêu thương giản dị để góp sức cho chất lượng hoạt động của nơi này - một nơi với nhiệm vụ công tác đặc thù, liên quan trực tiếp tới người yếu thế, góp phần thể hiện tính nhân văn của xã hội. 

Thu Hạnh