BIDV Yên Bái: “Chia sẻ khó khăn – hợp tác bền vững”

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2020 | 8:11:58 PM

YênBái - Trước tình hình dịch bệnh hoành hành, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, trong đó có các khách hàng quan hệ tín dụng, cùng với BIDV cả nước, BIDV Chi nhánh Yên Bái đã và đang đồng loạt triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng. Với người cán bộ của BIDV Yên Bái, lúc này Slogan Chia sẻ cơ hội – Hợp tác thành công” đã chuyển thành “Chia sẻ khó khăn – hợp tác bền vững”.

Triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bới dịch bệnh tại phòng giao dịch của BIDV.
Triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bới dịch bệnh tại phòng giao dịch của BIDV.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Yên Bái là ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn, khách hàng có quan hệ tín dụng chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chuyện ảnh hưởng, thậm chí là ngưng trệ hoàn toàn bởi dịch bệnh Covid-19 đã xảy ra. Đứng trước thực trạng này, ngay sau khi có Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BIDV Chi nhánh Yên Bái đã triển khai các gói hỗ trợ theo sự chỉ đạo của BIDV. 

Theo đó, các khách hàng doanh nghiệp sẽ có 3 gói tín dụng gồm: gói tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô 100.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm 1% so với lãi suất thông thường; gói tín dụng ngắn hạn với quy mô 20 nghìn tỷ đồng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19 (áp dụng đối với các ngành chịu tác động tiêu cực như khách sạn, giao thông vận tải, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại nông lâm sản tiêu dùng), lãi suất giảm từ 0,5 đến 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; gói tín dụng ngắn hạn, với quy mô 8 nghìn tỷ đồng, áp dụng đói với khách hàng FDI, doanh nghiệp nước ngoài, lãi suất 7 đến 7,5%/năm. 

Đối với khách hàng cá nhân, gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng "Đồng hành, vươn xa” cho vay trung dài hạn đối với khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu nhà ở, mua ô tô, sản xuất kinh doanh, lãi suất từ 7 đến 9%/năm; gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng "Chung tay đẩy lùi Corona” (áp dụng đến hết ngày 30/4/2020) dành riêng cho các khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lãi suất từ 6,5%/năm.

Ông Phạm Trung Tùng – Giám đốc BIDV Yên Bái cho biết: "Với tinh thần khẩn trương, tích cực, chủ động chung tay với cộng đồng chia sẻ khó khăn đồng hành với doanh nghiệp và người dân; Chi nhánh BIDV Yên Bái đã làm việc với từng khách hàng để đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do dịch bệnh gây ra, từ đó áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Nhiều bộ hồ sơ của khách hàng đã được hoàn hiện một cách chính xác, trình BIDV phê duyệt và ra quyết định hỗ trợ khách hàng ngay trong ngày với những nội dung cụ thể. 

Đó là: xem xét kéo dài thời hạn vay vốn, tiếp tục hạ lãi suất cho vay mới và đối với toàn bộ dư nợ cho vay ngắn hạn từ 0,3 đến 1%; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá về khả năng trả nợ đầy đủ và mức độ ảnh hưởng; thực hiện việc miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 đối với khách hàng gặp khó khăn trả nợ do doanh thu sụt giảm; thực hiện cho vay mới thông qua các gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh”.

Được biết, tới thời điểm ngày 31/3/2020, BIDV Yên Bái đã rà soát đánh giá bước đầu có 210 khách hàng, với dư nợ khoảng 1.450 tỷ đồng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; BIDV Yên Bái đã thực hiện cơ cấu nợ đối với 10 khách hàng với tổng dư nợ 110 tỷ đồng; thực hiện giảm lãi từ 0,3 đến 1% đối với toàn bộ dư nợ hiện hữu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tổng dư nợ hơn 1.200 tỷ đồng; đã thực hiện việc cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với doanh số cho vay 500 tỷ đồng (trong đó khách hàng doanh nghiệp 420 tỷ, khách hàng cá nhân 80 tỷ).

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều khách hàng lớn của BIDV Yên Bái như Công ty Hapaco Yên Sơn, Công ty TNHH Hòa Bình, Công ty Hải Phượng, Công ty chè Bình Thuận,…  hay những khách hàng sử dụng lực lượng lao động lớn như Công ty May xuất khẩu, Xi măng Yên Bái, Xi măng Yên Bình,… đã và đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; những động thái từ BIDV như: giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; đặc biệt là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại trong giai đoạn hết sức khó khăn này và khi dịch bệnh qua đi, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại, doanh nghiệp có sức bứt phá để bù đắp giai đoạn trầm lắng này. 

Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những biện pháp mang tính vĩ mô mạnh mẽ hơn nữa về lãi suất huy động, về dự trữ bắt buộc,… cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tình trạng trục lợi chính sách (vay được vốn với lãi suất thấp nhờ chính sách hỗ trợ để sử dụng vào mục đích khác).

Lê Phiên