“Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ tốt đẹp như hôm nay”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2020 | 8:01:55 AM

YênBái - Ngày 11/4/1900, tỉnh Yên Bái được thành lập gồm phủ Trấn Yên, châu Văn Chấn, châu Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ (đặt tại làng Yên Bái).Trải qua 120 năm, hình thành, phát triển, cuộc sống của người dân Yên Bái từ chỗ bị áp bức, đè nén dưới chế độ thực dân, phong kiến xưa kia, nay đã đổi thay mạnh mẽ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà và các đồng chí lãnh đạo tỉnh vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm và làm việc trong ngày đầu năm mới 2019.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà và các đồng chí lãnh đạo tỉnh vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới thăm và làm việc trong ngày đầu năm mới 2019.

Sức bật mãnh liệt ấy, được khởi nguồn từ tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của một dân tộc bị áp bức đứng lên chống đế quốc xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 22/8/1945, tại vườn hoa tỉnh lỵ, nỗi mừng vui khôn tả của gần một vạn đồng bào các dân tộc Yên Bái khi chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng là UBND cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái được thành lập, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, ủng hộ giúp đỡ, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng, vượt mọi khó khăn, gian khổ từng bước xây dựng cuộc sống mới. 

Bước vào trang sử mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, ra sức thi đua, xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cùng cả nước thực hiện cuộc cách mạng kháng chiến, kiến quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. 

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Yên Bái đã cống hiến cho tiền tuyến những binh đoàn điệp điệp, trùng trùng, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu và đại thắng mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối. 

Trong ngôi nhà nhỏ ở tổ 4, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), ông Nguyễn Huy Hảo, sinh năm 1932 - cán bộ tiền khởi nghĩa, 55 năm tuổi Đảng tâm sự: "Khi quân giải phóng của ta về nắm chính quyền ở phủ Yên Bình, tôi mới tròn 14 tuổi nhưng do biết tiếng Pháp nên được cùng người chú và anh trai dẫn đường cho quân giải phóng ra đánh chiếm phủ. Năm 1952, tôi đi thanh niên xung phong làm đèo Chẹn, tuyến Bắc Yên - Điện Biên, năm 1953 vào bộ đội tham gia đánh trận Điện Biên. Thắng trận, tôi cùng đồng đội dẫn đoàn tù binh, trong đó, có cả tướng Đờ Cát về Phú Thọ trao trả cho quân Pháp. Đó thực sự là những tháng ngày gian khổ, nay thì khác nhiều lắm rồi. Điện, đường, trường, trạm, nông thôn mới, đời sống văn hóa mới, thị xã nhỏ bé xưa kia nay đã lớn mạnh hơn rất nhiều”. 

Quả thực, "thị xã Yên Bái nhỏ bé xưa kia” hôm nay đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh với hàng trăm công trình, dự án được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố trẻ đã chủ động nắm bắt khoa học-công nghệ, đổi mới, sáng tạo và triển khai xây dựng dự án đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử, góp phần thay đổi tư duy lãnh đạo, giúp nhân dân tiếp cận dần với xã hội số, kinh tế số. 

Rồi những cây cầu lớn: Yên Bái, Bách Lẫm, Tuần Quán… lần lượt vượt sông Hồng, chở đầy niềm vui và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm bật lên sức sống tiềm tàng, mãnh liệt cho thành phố mới. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Yên Bái đạt được, đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo quê hương 120 năm tuổi của chúng ta.

Yên Bái 120 năm xây dựng và phát triển, 34 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh (năm 1991), vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào thực tiễn địa phương, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự chia sẻ, đồng hành của các tỉnh bạn, Yên Bái đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo thêm nguồn lực cho phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội. 

Đặc biệt, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, vượt lên những khó khăn, rủi ro, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nền kinh tế của tỉnh năm 2019 phát triển và tăng trưởng khá, đặc biệt là nhóm các chỉ tiêu cơ bản phản ánh sự chuyển động và phát triển rõ nét kinh tế-xã hội địa phương như: tăng trưởng kinh tế 7,03%, thu ngân sách trên 3.250 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 38 triệu đồng; tỷ lệ giảm nghèo 6,12% (cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay); sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa tăng từ 24% - 30% so với năm 2018. 

Sau khi thực hiện cơ cấu lại kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Yên Bái đã thu được kết quả nổi bật với gần 70 xã đạt chuẩn NTM, 2 địa phương đạt chuẩn quốc gia NTM là thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên. 

Theo đó, XDNTM đang trở thành nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết và phong trào thi đua thiết thực, sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân. Từ ngày 1/4/2019, cả 9 huyện, thị, thành phố và 180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh cùng đồng loạt ra mắt bộ phận phục vụ hành chính công tại cơ sở càng khẳng định quyết tâm chính trị cao của Yên Bái trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền dân chủ của dân và vì dân. 

Cụ Trần Văn Hạc - đảng viên 72 năm tuổi Đảng ở Chi bộ tổ 3, phường Minh Tân bày tỏ: "Tôi sinh năm 1922, được miễn sinh hoạt Đảng rồi nhưng vẫn tham gia đóng Đảng phí đều đặn. Đó không chỉ là nhiệm vụ của người đảng viên, nhất là đảng viên cao tuổi mà còn là trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo chống dịch Covid-19, tôi chờ hết 2 tuần cao điểm "đứng yên” ở nhà, sẽ lên phường góp tiền ủng hộ công tác phòng, chống dịch của địa phương”.

Đời sống của nhân dân ngày càng đi lên, kinh tế phát triển, Yên Bái đã mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước bằng những chính sách ưu đãi, thông thoáng. Yên Bái hiện có quan hệ hợp tác với 100 tổ chức quốc tế, các đại sứ quán các nước, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, tương đương với gần 30 dự án FDI đang được triển  khai thực hiện trên địa bàn với tổng vốn đăng ký hơn 400 triệu USD. 



Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi về chất lượng sản phẩm quế vỏ đặc sản kinh tế của huyện Văn Yên.  

Nhờ liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới trong tỉnh tăng lên theo từng năm. Hết năm 2019, toàn tỉnh có gần 2.200 doanh nghiệp, hơn 400 hợp tác xã, trên 3.000 tổ hợp tác và trên 20.000 hộ kinh doanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 35% so với năm 2018 - cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. 

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn từ vùng thấp tới vùng cao Yên Bái. Giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc trong tỉnh được quan tâm chăm lo, bảo tồn, phát huy; giáo dục, y tế, an sinh, phúc lợi xã hội đạt kết quả tích cực. 

Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị địa phương được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng được củng cố, tạo chuyển biến tích cực nhờ thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. 

Để tạo nguồn cán bộ kế cận, tiếp tục sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 11, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cho 150 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc tiểu số tiêu biểu, xuất sắc. Với mục tiêu tổng quát: tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm; cơ bản hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa và con người Yên Bái "Thân thiện, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng và phát huy hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng chất lượng, hiệu quả văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân gắn với thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, Yên Bái đã đề ra 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phấn đấu hoàn thành trong năm 2020 với những giải pháp tích cực, mang tính khả thi cao.

120 mùa xuân xây dựng và phát triển, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, với bề dày truyền thống anh dũng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, đoàn kết, phấn đấu vững bước trên hành trình xây dựng tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Thanh Hương