Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2020 | 8:15:30 AM

YênBái - Những năm qua, Chương trình "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” đã tập hợp, thu hút, phát huy tinh thần, nhiệt huyết của nhiều bạn trẻ có hoài bão, mong muốn góp sức cống hiến cho quê hương với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công ty TNHH HMong 4S Việt Nam với dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.
Công ty TNHH HMong 4S Việt Nam với dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.

Cùng với chặng đường 120 năm thành lập và phát triển của tỉnh, vai trò của tuổi trẻ Yên Bái luôn có một vị trí quan trọng và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các sở, ban ngành, đoàn thể.

Qua đó, tổ chức Đoàn các cấp không ngừng được củng cố, xây dựng, trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện lời dạy của Bác: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Đặc biệt. những năm qua, Chương trình "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” đã tập hợp, thu hút, phát huy tinh thần, nhiệt huyết của nhiều bạn trẻ có hoài bão, mong muốn góp sức cống hiến cho quê hương với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải, nhờ sự năng động, chăm chỉ và đam mê, Lảo A Củ, sinh năm 1996 đã bén duyên với kinh doanh và hiện là Giám đốc Công ty TNHH HMong 4S Việt Nam với dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc. 

Được thành lập tháng 1/2019, hiện, mỗi ngày, Công ty của anh sản xuất từ 200 - 300 chiếc váy, yếm, phụ kiện trang phục người Mông, cung ứng chủ yếu cho thị trường các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một lượng khách ổn định người nước ngoài. 

Đồng thời, duy trì nguồn thu từ in áo, in hình lưu niệm theo yêu cầu, thu về hơn 100 triệu đồng mỗi tháng; tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng…

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là thành lập được một hợp tác xã chuyên về bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông; tạo dựng thương hiệu sản xuất hàng thổ cẩm thủ công. May mắn khi ý tưởng này đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp lần thứ II, năm 2019 do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức” - A Củ tự hào. 

Vẫn là trang phục truyền thống của người Mông nhưng không bị mất đi giá trị cốt lõi lâu đời mà có sự sáng tạo, phù hợp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đa dạng hóa, dễ mặc, dễ sử dụng. Tin tưởng rằng, chàng trai trẻ người Mông Lảo A Củ sẽ biến ước mơ của mình thành hiện thực trong một tương lai gần. 

Giàng A Dê, chàng trai sinh năm 1989 ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cảng Chải lại có cách làm sáng tạo, năng động từ Dự án Phát triển du lịch cộng đồng. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hello Mù Cang Chải do Giàng A Dê làm chủ trước đây được phát triển từ mô hình du lịch cộng đồng (homestay) của gia đình. 

Tọa lạc trên đỉnh đồi, homestay xinh xắn của Giàng A Dê hiện ra giữa mây mù, gần gũi với thiên nhiên, mang lại sự thoải mái, yêu thích, thu hút đông đảo khách du lịch. Sau hơn 2 năm phát triển, được sự giúp đỡ của Huyện đoàn, Tỉnh đoàn Yên Bái, homestay của Giàng A Dê đã cho thu nhập ổn định 30 triệu đồng/tháng với 80% là du khách nước ngoài. Ngoài ra, A Dê còn tổ chức một lớp học tiếng Anh vô cùng đặc biệt do chính những du khách nước ngoài giảng dạy.

Lảo A Củ và Giàng A Dê chỉ là 2 trong số hàng trăm thanh niên trẻ đã và đang không ngừng tư duy, sáng tạo, trăn trở khởi nghiệp, mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh triển khai hiệu quả trong Chương trình "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Được biết, năm 2019, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt triển khai Đề án Hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, giai đoạn 2019 - 2020; phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh triển khai Cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái lần thứ II, năm 2019, thu hút 42 ý tưởng, dự án trong tỉnh đăng ký tham gia. 

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức 7 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh cho trên 600 đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Cấp tỉnh tổ chức 2 diễn đàn, tọa đàm khởi nghiệp thu hút trên 500 lượt ĐVTN tham gia; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn vay cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác và ĐVTN phát triển kinh tế với tổng dư nợ 516 tỷ đồng.

121 xã có dư nợ ủy thác do Đoàn thanh niên quản lý với 396 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổng số 14.161 hộ vay còn dư nợ; giải ngân 914/960 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 20 dự án của thanh niên, nguồn vốn đang phát huy hiệu quả. 

Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã thành lập 80 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã và 11 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, nâng tổng số mô hình kinh tế trong toàn tỉnh lên trên 1.000 mô hình. 

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái khẳng định: "Với tinh thần xung kích tình nguyện, nhiều hoạt động của tuổi trẻ Yên Bái đã được triển khai, diễn ra sôi nổi ở các địa phương. Thời gian tới, Tỉnh đoàn Yên Bái sẽ không ngừng nỗ lực, xây dựng Đoàn vững mạnh, tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp ĐVTN, xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, có hoài bão, ý chí, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương”.

Đồng chí Nghiêm Thị Lan - Bí thư Thành đoàn Yên Bái:

Để Chương trình "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn từ cấp cơ sở cần được đổi mới về nội dung, phương thức. Bằng nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên được tăng cường, chất lượng đoàn viên ngày một nâng lên; mang lại nhiều cơ hội cho tuổi trẻ khởi nghiệp, nhất là với những thanh niên vùng sâu, vùng xa, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số được học tập kinh nghiệm từ các mô hình lựa chọn những ngành nghề, hướng đi phù hợp với khả năng của mình”.

Anh Phạm Văn Hậu - Giải Nhất Cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp lần thứ II, năm 2019:



Tham gia vào "sân chơi” này là cơ hội cho tôi được thử thách chính mình. Đồng thời, được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Cuộc thi đã khơi dậy trí tuệ, sự sáng tạo của tuổi trẻ. Sau cuộc thi, tôi hy vọng có thể cống hiến nhiều hơn cho quê hương cũng như mong muốn Tỉnh đoàn Yên Bái tiếp tục có những cuộc thi như vậy để đông đảo đoàn viên thanh niên được tham gia, tìm hiểu, trau dồi kiến thức.


Mai Linh