Yên Bái: “Hoa” nở giữa đại dịch

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2020 | 8:01:55 AM

YênBái - Đại dịch Covid-19 như một phép thử lòng người. Cùng với cả nước, “hoa” việc tốt ở Yên Bái đã nở ngát hương mang tinh thần “tương thân tương ái” vì cộng đồng, sẵn sàng giúp nhau vượt qua khó khăn trên mặt trận phòng chống dịch bệnh này.

Đoàn viên thanh niên thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Nhà may Cẩm Hường sản xuất 12.000 khẩu trang vải, phát miễn phí cho người dân.
Đoàn viên thanh niên thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Nhà may Cẩm Hường sản xuất 12.000 khẩu trang vải, phát miễn phí cho người dân.

Đại dịch Covid-19 bùng phát kéo theo những hậu quả khôn lường, nhiều cường quốc lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Italia, Trung Quốc… Đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề với hàng nghìn người tử vong làm suy thoái nền kinh tế. Chiếc khẩu trang trở thành thứ không thể thiếu của mỗi người dân trong mùa dịch Covid-19. 

Việc người dân đổ xô đi mua dẫn đến khẩu trang trở nên khan hiếm, khiến không ít người vì lợi ích cá nhân, bất chấp tất cả để trục lợi bằng việc găm khẩu trang rồi bán với giá gấp đôi, gấp 3, thậm chí là nhiều lần. Thậm chí có cả tình trạng thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để tái chế lại rồi bán cho người dân. 

Chuyện tung những tin đồn thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang dư luận không còn là hiếm… Chính sự ích kỷ, thiếu suy nghĩ của những cá nhân này đã tạo nên mảng tối giữa đại dịch. Nhưng cũng chính trong cơn bão dịch mịt mù ấy, nhiều bông "hoa” việc tốt lại nở rộ đẩy lùi việc xấu, khơi dậy, kết nối sự đoàn kết của cả cộng đồng, chắp cánh niềm tin đi tới chiến thắng đại dịch. 

Với những việc làm thiết thực, tuổi trẻ Yên Bái tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân cách phòng chống dịch bệnh Covid-19, phát khẩu trang miễn phí cho người dân trên địa bàn, ủng hộ phòng chống đại dịch. 

Đoàn viên thanh niên thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp cùng Nhà may Cẩm Hường tham gia làm 12.000 khẩu trang vải phát cho người dân; Đoàn trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình phát miễn phí 800 khẩu trang, trang bị 15 chai nước rửa tay khô, phun khử trùng toàn bộ 32 lớp học, thư viện và phòng làm việc trong nhà trường, dán 25 áp phích tuyên truyền tại các lớp và bảng tin; Đoàn trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình cũng phát 1.150 khẩu trang miễn phí cho học sinh và người dân quanh trường, phun khử trùng 27 lớp học và 6 phòng làm việc công vụ… 

Góp sức phòng chống dịch bệnh, phụ nữ Yên Bái cùng nhau may 100.000 chiếc khẩu trang vải phát cho hội viên phụ nữ và nhân dân. Trong gian khó giữa đại dịch đã xuất hiện một xã hội nhân văn cùng tình người ấm áp. Tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp từ già, trẻ, gái, trai, ai ai cũng đóng góp sức mình giúp nhau cùng vượt qua đại dịch. 

Tuổi cao nêu gương sáng, cụ bà Vũ Thị Thảo 80 tuổi ở thị trấn Yên Bình dành cả tháng lương hơn 2 triệu đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Còn trong giới nghệ sĩ, nam ca sĩ Khắc Việt - người con của quê hương Yên Bái đã phát tặng 10.000 khẩu trang y tế cho người dân Yên Bái. 

Nhỏ tuổi nhất như cháu Nguyễn Bình Minh, 8 tuổi ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên cũng đập lợn đất để đóng góp số tiền nhỏ bé ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Và còn nhiều, nhiều nữa những "bông hoa” việc tốt không thể kể hết… nhưng dù là đóng góp lớn hay nhỏ, những việc làm ấy đã lan tỏa như nhắc nhở mỗi người thêm đoàn kết, chung tay dập tắt đại dịch Covid-19. 

Dịch bệnh Covid-19 là đại dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay, nhiều cường quốc trên thế giới bất chấp đánh đổi sức khỏe để cứu nền kinh tế. Nhưng Việt Nam thì khác luôn lấy tính mạng và sức khỏe người dân đặt lên hàng đầu. Các cụ ta có câu "còn người, còn của”, tính mạng con người là trên hết, còn sống có sức khỏe mới có thể làm việc và cống hiến. 

Những người Việt xa quê đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài khi trở về quê hương đã được giang rộng vòng tay giúp đỡ. Nhưng không phải ai cũng có ý thức chung vì cộng đồng, có những người khai báo gian dối nhằm trốn tránh cách ly khiến dịch bệnh lây lan nhanh ra cộng đồng, không hợp tác trong cách ly, tìm kiếm đủ mọi lý do để ra ngoài… 

Những khó khăn ấy chẳng thể lay chuyển được những "người hùng” nơi tuyến đầu chống dịch, họ là các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn luôn ân cần chăm sóc bệnh nhân, động viên giúp người bệnh vượt qua khủng hoảng về tâm lý. 

Cùng với các y, bác sĩ là những người lính Bộ đội Cụ Hồ thầm lặng ngày đêm chăm lo cho người dân trong các khu cách ly từng bữa cơm, giấc ngủ. Tất cả họ đều xứng đáng được tôn vinh như những "người hùng”, thầm lặng chiến đấu với dịch bệnh, quên mình vì sức khỏe nhân dân và sự bình yên, ổn định của đất nước. 

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, mỗi người dân đã ý thức cao trong thực hiện đầy đủ khuyến cáo của Bộ Y tế, chấp hành nghiêm 15 ngày giãn cách xã hội. Tất cả các dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, quán ăn, quán karaoke, khu vui chơi… Đồng loạt đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng đoàn kết, chung tay dập tắt đại dịch Covid-19.

Cuộc sống đang dần trở lại bình an, thường nhật như vốn có, nhưng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của đại dịch tới đời sống kinh tế, xã hội. Trong gian khó, những "bông hoa” việc tốt đã nở rộ sẽ mãi được cộng đồng ghi nhận, nhắc nhớ để lan tỏa đến mỗi người về sự đồng lòng, chung tay đánh bại dịch bệnh lịch sử. 
Bùi Minh