Khoa học và công nghệ đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2020 | 7:59:14 AM

YênBái - Ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày kỷ niệm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam.

Đồng chí Trần Ngọc Thư - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Yên Bái (bên trái) kiểm tra công tác kiểm định công tơ điện tại Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN tỉnh.
Đồng chí Trần Ngọc Thư - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Yên Bái (bên trái) kiểm tra công tác kiểm định công tơ điện tại Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN tỉnh.

Xác định KH&CN là yếu tố then chốt, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là một trong những khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững, trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái, Bộ KH&CN và sự phối hợp của các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. 

Ngành luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN; chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành KH&CN luôn chú trọng trong công tác tham mưu giúp UBND tỉnh hoạch định các chính sách nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Trên cơ sở bám sát vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động nghiên cứu triển khai luôn là nhiệm vụ được ưu tiên trong công tác quản lý KH&CN của địa phương. 

Để không ngừng nâng cao chất lượng của hoạt động này, Hội đồng KH&CN đã thường xuyên được kiện toàn từ tỉnh đến các ngành và cơ sở; phương thức làm việc của Hội đồng đảm bảo đúng tinh thần của Luật KH&CN, trong giai đoạn từ  2016 - 2019, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mới và chuyển tiếp 228 đề tài, dự án khoa học. 

Trong đó, chủ yếu là các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản, hướng vào đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, theo đúng định hướng của tỉnh. 

Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản đều tập trung vào chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản nông - lâm sản, giúp người dân nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Điển hình như Đề tài: "Nghiên cứu khả năng thích ứng của giống bưởi đỏ Tân Lạc tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”, do Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu Giống cây trồng và vật nuôi, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên là đơn vị chủ trì thực hiện; dự án: "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Trấn Yên” do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm rau, hoa, quả Gia Lâm chủ trì thực hiện; Đề tài "Nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh thái loài bệnh hại chính và thử nghiệm các biện pháp phòng trừ trên cây keo tai tượng" do Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng chủ trì thực hiện; Dự án "Nuôi thử nghiệm cá ngạnh (Cranoglanis henrici) trong lồng trên hồ Thác Bà" do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Yên Bái thực hiện... 

Nét nổi bật nhất trong việc triển khai đề tài dự án không chỉ tạo ra cơ hội thử nghiệm giống cây, con mới cho địa phương, mà còn mở ra một hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế, lợi ích của đề tài dự án mang lại đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên giá trị cao trên một đơn vị diện tích canh tác, mặt khác thông qua hoạt động này người dân có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các nhà khoa học là các giáo sư, tiến sỹ của các viện nghiên cứu, các trường đại học có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi...

Công tác quản lý công nghệ, an toàn bức xạ (ATBX) và sở hữu trí tuệ (SHTT), tiếp tục được quan tâm thực hiện và đã có kết quả tích cực. 

Trong những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nâng cao nhận thức về ATBX hạt nhân cho các cơ sở X-quang được đẩy mạnh nhằm cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về ATBX - hạt nhân cho các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về ATBX và hạt nhân trên địa bàn tỉnh.

Việc thẩm định, cấp và gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ đảm bảo đúng các quy định, đi vào nề nếp và ổn định; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm kịp thời. 

Qua đó, nhận thức và việc chấp hành các quy định của các cơ sở bức xạ được nâng lên rõ rệt; công tác xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp cơ sở đang được triển khai đồng bộ. Trong những năm qua không có sự cố bức xạ đáng tiếc nào xảy ra trên địa bàn tỉnh. 

Để thực hiện tốt công tác quản lý công nghệ, ATBX và SHTT ngành đã xây dựng quy trình giải quyết cho 7 thủ tục hành chính theo Quyết định công bố thủ tục hành chính của UBND tỉnh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phù hợp HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

Các thủ tục này được thực hiện công khai, minh bạch và được niêm yết tại bộ phận một cửa và trên trang thông tin điện tử của ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ dễ dàng trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính. 

Với tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp và các địa phương trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, ngành KH&CN đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp về SHTT, thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản của địa phương. 

Tính đến nay Yên Bái đã có 17 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ SHTT thuộc chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. 

Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHTT, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng và nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm có lợi thế của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với đó, công tác thanh tra chuyên ngành KHCN tiếp tục đi vào nề nếp và ổn định. Thông qua kết quả các cuộc thanh tra đã góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Hoạt động quản lý Nhà nước về KHCN tại các huyện, thị xã, thành phố bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. 

Công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước trên địa bàn về tiêu chuẩn đo lường chất lượng SHTT, ATBX đã thường xuyên hơn; các chương trình, dự án, đề tài KHCN được triển khai trên địa bàn các huyện đã có sự phối hợp quản lý tốt hơn từ khâu đề xuất, đến tổ chức triển khai và sử dụng kết quả của các đề tài, dự án khoa học khi kết thúc. 

Trong những năm qua, hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có bước chuyển biến tích cực; phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến các đối tượng quản lý và các cơ quan liên quan. 

Từng bước hoàn thiện và hệ thống hóa quy trình xử lý công việc trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước, UBND xã, phường, thị trấn phù hợp với quy định của pháp luật trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ, ngành đã cụ thể hóa Kế hoạch số 111 ngày 22/4/2019 của UBND tỉnh về xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. 

Bằng các hoạt động cụ thể để đưa HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý, giải quyết công việc trong thực thi công vụ của các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, giúp cho người đứng đầu kiểm soát được quá trình giải quyết công việc kịp thời, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ. 

Thành công bước đầu của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đã góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày một tốt hơn. 

Hoạt động thông tin KH&CN trong thời gian qua đã duy trì tốt công tác phối hợp với Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN; tuyên truyền những thành tựu, những tiến bộ KH&CN trong và ngoài nước; các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án khoa học… 

Hoạt động của Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN từng bước khẳng định được vai trò của đơn vị ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm luôn duy trì và tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đưa các tiến bộ kỹ thuật, các giống cây, con mới vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững như: công nghệ nuôi cấy mô tế bào, cải tạo vườn tạp, sản xuất giống nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất chế phẩm vi sinh...

Kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 hàng năm, cũng là dịp để ngành KH&CN tỉnh Yên Bái nhìn lại những kết quả đạt được trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho hoạt động KH&CN, để KH&CN thực sự trở thành động lực góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững.

Trần Ngọc Thư - Phó Giám đốc Sở KH&CN Yên Bái