Tấm lòng của một Việt kiều với Bác

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/5/2020 | 2:10:25 PM

YênBái - Cách đây 10 năm, từ buổi nói chuyện với cháu nội nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu - một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã toát lên một tình yêu quê hương đất nước và kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh của một người con xa xứ.

Ông Nguyễn Khắc Hải trong một lần về thăm quê.
Ông Nguyễn Khắc Hải trong một lần về thăm quê.

Cách đây 10 năm, đúng vào ngày sinh của Bác, tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Khắc Hải, cháu nội nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu - một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ông Hải là Việt kiều về thăm quê.

Buổi nói chuyện không dài nhưng qua câu chuyện, toát lên một tình yêu quê hương đất nước và kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh của một người con xa xứ. 

Ông chậm rãi kể cho tôi nghe về gia đình mình: Ông nội tôi cùng các đồng chí của mình tiến hành cuộc khởi nghĩa Yên Bái và thất bại, điều này mọi người đều đã biết. Khi có điều kiện nghiên cứu lại lịch sử, tôi thấy tiếc cho ông mình, giá như ông và các đồng chí như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính mà gặp được Nguyễn Ái Quốc trước khi nổ súng thì mọi chuyện chắc chắn đã khác. 

Lý do thật đơn giản là Nguyễn Ái Quốc có con đường làm cách mạng đúng đắn hơn, có tổ chức Đảng chặt chẽ hơn và tập hợp được quần chúng đông đảo hơn. Lịch sử không có chữ nếu, ông tôi và các đồng chí của mình "Không thành công cũng thành nhân”. 

Trường hợp cha tôi lại là câu chuyện khác, ông là Nguyễn Khắc Trạch, một trí thức Tây học, ông đã sớm nhận thấy chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam sẽ lụi tàn, cách mạng sẽ thành công. Vì vậy, đầu năm 1945, ông đã bán nhà cửa ở Hà Nội, thu gom toàn bộ tài sản, đóng cửa tờ báo tiếng Pháp ở Hải Phòng, đưa mẹ tôi và anh em chúng tôi lên nương náu ở Trấn Yên, Yên Bái rồi tìm cách liên lạc với cách mạng. 

Thật tiếc là không qua được mắt của lũ mật thám Pháp, chúng truy lùng, bắt rồi sát hại trước khi cướp toàn bộ số tiền, vàng. 

Vì hoàn cảnh nên năm 1959, tôi sang Liên bang Đức (Tây Đức) và định cư tại thủ đô Bonn. Dù cuộc sống có thế nào thì tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, mình là người con đất Việt. Tôi đã lập bàn thờ, trên đó treo lá cờ đỏ sao vàng và bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bàn thờ đặt trang trọng ngay tại gian khách. 

Ở Đức, hàng xóm không hay qua lại nhà nhau chơi như ở Việt Nam nhưng vợ tôi mở cửa hàng ngay tại nhà nên việc tôi lập bàn thờ Tổ quốc và Bác Hồ nhiều người biết. Thế là rắc rối xảy đến. Không ít bà con người Việt (thời điểm đó, cộng đồng người Việt ở Bonn đều là người miền Nam, nhiều người trong số họ đã trực tiếp hoặc có cha ông làm việc cho chính quyền cũ) đến nhà tôi quậy phá, đòi tẩy chay cửa hàng, kêu gọi chính quyền không cho tôi khám chữa bệnh (ông Hải là bác sĩ gia đình). 

Nhiều người yêu cầu tôi phải hạ bỏ ảnh Bác Hồ, bỏ lá cờ đỏ sao vàng xuống. Họ làm rất gay gắt, vợ tôi lo lắng quá nên cũng khuyên tôi thuận theo ý họ, ít nhất là chuyển bàn thờ vào phòng trong. Tuy  vậy, tôi cương quyết không nghe. 

Tôi đến những nhà có uy tín trong cộng đồng để phân tích "Cờ đỏ sao vàng là lá cờ duy nhất của đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai sinh ngày 2/9/1945, được các nước trên thế giới công nhận. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, người có công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, tôi tôn vinh cụ Hồ Chí Minh. Tôi kính trọng ai là quyền của tôi, không vi phạm pháp luật Nhà nước Đức”. 

Tôi đưa ra lý lẽ như vậy và họ phải chấp nhận. Thế rồi, phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam phát triển mạnh ở nhiều nước, trong đó có Đức. Tôi và cả những người từng phản đối tôi lập bàn thờ có cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ cũng tham gia. Câu chuyện ấy lắng xuống. 

Sau này bức tường Béc-lin sụp đổ, rất đông người Việt ở Đông Đức và nhiều nước Đông Âu khác tới Bonn định cư và làm ăn, rất nhiều trong số họ là đảng viên cộng sản. Những năm tháng sau này, nhiều gia đình người Việt ở Đức đều treo ảnh Bác Hồ và treo lá cờ đỏ sao vàng. Thấy vậy, tôi lấy máy ảnh chụp lại bức chân dung Bác, in phóng nhiều kích cỡ để tặng bà con, vợ tôi thì hăng hái mua vải đỏ, vải vàng về may cờ Tổ quốc. 

Ông Nguyễn Khắc Hải kết thúc câu chuyện bằng câu: "Tôi đã rất đúng khi tin yêu Bác Hồ, lập bàn thờ Bác trên đất Đức phải không anh?”. Nói rồi, ông cho tôi xem bức ảnh lưu niệm trong lần ông và các bạn viếng Lăng Bác. "Nắng tháng 5 trời trong xanh quá”, ông lão cười hiền từ tỏ vẻ mãn nguyện khi mình là con cháu Bác Hồ.

Lê Xuân Trường