Siết chặt giám sát doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm xe máy

  • Cập nhật: Thứ bảy, 23/5/2020 | 9:42:22 PM

Bộ Tài chính sẽ giám sát theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới để kịp thời có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các DNBH.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thời gian gần đây, dư luận phản ánh nhiều về việc thanh toán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp lập lờ giữa bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện, bán bảo hiểm "vỉa hè"… Ngày 22/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo để giải đáp các vướng mắc.

Thị trường chưa minh bạch, người dân gặp khó

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã nêu một số nội dung về sự cần thiết, ý nghĩa bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông và tăng cường trật tự xã hội thông qua. Cụ thể, giải quyết bồi thường bảo hiểm hỗ trợ cho nạn nhân tai nạn giao thông khắc phục hậu quả. Thời gian qua đã bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ; thực hiện tuyên truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông với đa dạng hình thức như bằng phương tiện đại chúng và trực tiếp tới người dân...

Ông Khánh cho rằng, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô, xe máy) ra đời và triển khai tại hầu hết các nước trên thế giới và được đánh giá như là một trong các giải pháp hữu hiệu thực hiện mục tiêu hỗ trợ một phần tài chính giúp cho chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Siết chặt giám sát doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm xe máy

Thời gian gần đây, khi cảnh sát giao thông tổng kiểm soát, dừng xe kiểm tra giấy tờ trong đó có bảo hiểm, nổi lên tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc TNDS xe máy không tuân thủ đúng quy định pháp luật (đại lý giảm giá, chiết khấu 30% cho khách hàng, thời hạn bảo hiểm xe máy 2 năm, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường đối với bảo hiểm "vỉa hè", bảo hiểm xe máy bán với giá 20.000 đồng/năm); bên cạnh đó, hồ sơ bồi thường bảo hiểm còn có những khó khăn…

Trong khi đó, tỉ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỉ lệ tham gia lên đến 90% đối với ô tô (trong tổng số trên 3 triệu ô tô).

Theo các chuyên gia, dường như chưa có sự hài hoà lợi ích các bên, khi đây là một mảng thị trường khá béo bở nhưng với nhiều người thì thủ tục để được bồi thường khó khăn nên hầu như không được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Bộ Tài chính sẽ giám sát theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới để kịp thời có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các DNBH.

Bộ Tài chính đang có kế hoạch sớm phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban quốc gia (UBQG) về An toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các DNBH vi phạm quy định…

Dự kiến, trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.

(Theo VTV)