Đỗ Trọng Thủy - người thương binh không khuất phục đói nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/5/2020 | 8:04:22 AM

YênBái - Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường ác liệt Quảng Trị, bị thương ở vai, nhưng thương binh Đỗ Trọng Thủy ở thôn Loong Tra, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên với nghị lực phi thường của người lính Cụ Hồ không chịu khuất phục đói nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thương binh Đỗ Trọng Thủy chăm sóc ao cá.
Thương binh Đỗ Trọng Thủy chăm sóc ao cá.

Vừa bước tới cổng nhà, tôi không khỏi choáng ngợp bởi trang trại rộng lớn của gia đình ông. Bên cạnh ngôi nhà sàn khang trang là ao cá với đàn cá trắm đen tung tăng bơi lượn. Người thương binh với thân hình mảnh khảnh, mái tóc bạc trắng, nét mặt hiền hậu, nụ cười thân thiện, ông mời tôi vào nhà. 

Bước lên căn nhà sàn, xung quanh là những tấm bằng khen huân, huy chương ghi nhận công lao được trang trọng treo cao nơi gian chính. Nhấp chén trà nóng, ngược dòng thời gian, ông kể tôi nghe về những thăng trầm của đời mình. 

Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, huấn luyện tại Trung đoàn 246 ở Bắc Thái. 

Sau huấn luyện, Trung đoàn hành quân vào Nam chiến đấu, ông được bổ sung vào Sư đoàn 325 đóng chốt ở bờ sông Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Trong một trận đánh, đơn vị của ông chống trả quyết liệt với máy bay địch, ông bị thương một bên vai do mảnh bom. 

Cuối năm 1973, ông xuất ngũ, hưởng chế độ thương binh 3/4 và bắt đầu xây dựng gia đình, dần ổn định cuộc sống. Để duy trì cuộc sống, vợ chồng ông khai hoang khu đất hơn 1 ha đầy lau lách, cỏ dại và đào một cái ao hơn 1.000 mét vuông. 

Ngày nào cũng vậy, ông thức dậy từ 4 giờ sáng làm việc cho đến đêm khuya. Có lần, do làm việc quá sức, ông bị ốm nặng sút mất 6 cân. Những ngày trở trời, vết thương năm xưa lại đau nhức nhưng cứ nghĩ về gia đình, ông lại lấy đó làm động lực để vượt qua. Nhờ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của người dân ở địa phương, ông bắt đầu phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi. 

Ban đầu, gia đình ông chỉ nuôi nhỏ lẻ ít cá trắm đen, ít gà thả vườn nên thu nhập chẳng được là bao. Tiếp cận học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi trên truyền hình, đài, báo; từ đây, ông mở rộng quy mô chăn nuôi lên hàng trăm con. 

Trời không phụ công người. Những nhọc nhằn của vợ chồng ông được đền đáp xứng đáng. Từ đàn cá trắm đen, đàn gà và 4 ha đồi trồng keo, trung bình mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả hành trình dài nỗ lực đi lên từ nghèo khó của người thương binh vừa làm kinh tế lại nuôi dạy bốn người con khôn lớn trưởng thành có việc làm ổn định. 

Ngoài tích cực phát triển kinh tế, ông còn là đảng viên gương mẫu, từng giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Loong Tra và hiện là Chi hội Phó Người cao tuổi thôn. Dù ở cương vị nào, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người thương binh giàu bản lĩnh không ngại khó, ngại khổ vươn lên làm giàu cho mình, cho đời bằng tinh thần, ý chí người lính Cụ Hồ. 

Ông Thủy chia sẻ: "Bản thân là thương binh, là đảng viên, mình phải gương mẫu, tiên phong trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động. So với sự hy sinh của đồng đội, những đóng góp của tôi rất nhỏ bé. Tôi luôn tự nhủ phải phấn đấu vươn lên để không phải hổ thẹn trước sự hy sinh của đồng đội năm xưa”. 

Chia tay thương binh Đỗ Trọng Thủy khi nắng đã xế chiều. Tôi thật sự cảm phục ý chí, nghị lực của ông. Dù chiến tranh đã lấy đi một phần sức khỏe, nhưng không thể lấy đi trái tim khát khao cháy bỏng được cống hiến, làm giàu cho đời. Phẩm chất người lính và lời dạy của Bác mãi in sâu trong ông "Thương binh tàn, nhưng không phế". 

Bùi Minh