Lục Yên chủ động phòng chống đuối nước ở trẻ em

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/6/2020 | 7:44:35 AM

YênBái - Theo số liệu thống kê, năm 2018, toàn huyện có 5 trẻ em bị đuối nước; năm 2019 có 4 trẻ và từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 2 trẻ bị đuối nước.

Học bơi để phòng chống đuối nước. (ảnh minh họa)
Học bơi để phòng chống đuối nước. (ảnh minh họa)

Lục Yên có mạng lưới sông ngòi, ao hồ đa dạng, nhiều xã tiếp giáp với sông Chảy và các suối lớn. Thêm nữa, mật độ ao, hồ nhiều là một trong những nguy cơ gây ra tai nạn đuối nước. Theo số liệu thống kê, năm 2018, toàn huyện có 5 trẻ em bị đuối nước; năm 2019 có 4 trẻ và từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 2 trẻ bị đuối nước. Các vụ tai nạn đuối nước xảy ra chủ yếu vào dịp hè, khi nhà trường bàn giao các cháu về địa phương, gia đình. 

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu vào những ngày hè nắng nóng, các cháu thường rủ nhau ra sông, suối để tắm và do tâm lý sợ người lớn phát hiện, nên các cháu thường chọn chỗ vắng người để tắm, nên khi xảy ra đuối nước không kịp cứu.

Một nguyên nhân nữa, là do các gia đình bận đi làm, không có thời gian để quản lý con cái, nên tình trạng chết đuối ngay tại ao, hồ nhà mình cũng xảy ra phổ biến. Độ tuổi xảy ra chết đuối là từ 3 đến dưới 10 tuổi. 

Ở tuổi này, các cháu chưa biết bơi và rất hiếu kỳ, thích nghịch nước. Các vụ tai nạn không chỉ cướp đi sinh mạng và tương lai của các cháu nhỏ, mà đó còn là nỗi dằn vặt, khổ tâm, ám ảnh của phụ huynh.

 Để khắc phục tai nạn đuối nước, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. 

Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè và mùa mưa bão; chủ động tổ chức cho trẻ học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước tại địa phương hoặc nơi tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho trẻ bằng những cách như: làm rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm không đến gần... tại hồ nước, ao, sông ngòi, khu vực nước sâu, nguy hiểm với trẻ.

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tiếp tục hướng dẫn, triển khai việc xây dựng "Ngôi nhà an toàn”, "Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn”, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm giảm thiểu nguy cơ gây đuối nước cho trẻ; quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ tại địa phương.

Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường học, cộng đồng và gia đình; chỉ đạo Đoàn Thanh niên phát động phong trào chung tay thực hiện biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như tổ chức bàn giao học sinh giữa nhà trường và chi đoàn địa phương trong dịp hè triển khai ngay việc cảnh báo các điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước cao đối với trẻ em tại các thôn, bản để trẻ không đến gần, không tiếp cận...

Để phòng tránh đuối nước cho trẻ đạt hiệu quả thì ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể thì việc quan trọng nhất vẫn là mỗi gia đình, bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát con em mình, chủ động cho trẻ được học bơi. Bên cạnh đó, tăng cường việc phối hợp giữa các đơn vị, nhà trường, tạo những sân chơi bổ ích để mỗi dịp hè trở thành khoảng thời gian vui chơi ý nghĩa nhất và an toàn cho các em.
Khắc Điệp