Yên Bái đột phá “tam nông” - Bài 2: Nông thôn mới vượt mục tiêu Nghị quyết

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/6/2020 | 8:08:49 AM

YênBái - Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của người dân, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã vượt 3 lần so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Chương trình XDNTM không chỉ mang đến luồng sinh khí, diện mạo mới cho mọi miền quê, mà đã làm đổi thay đời sống vật chất, tinh thần người dân và trở thành những vùng quê đáng sống.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp thăm quan mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại giá trị cao.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp thăm quan mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại giá trị cao.


Trong suốt 5 năm qua, cứ mỗi năm qua đi là đánh dấu thêm một năm nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái giành thắng lợi một cách toàn diện. Một sự chuyển mình rõ nét từ trong nhận thức đến hành động, từ xã vùng thấp đến vùng cao, từ vùng đồng bào dân tộc đến các họ giáo, giáo xứ và đến mọi làng quê thôn bản. 

Diện mạo nông thôn đã có sự đổi thay rõ nét, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công, môi trường ngày càng được cải thiện. 

Đặc biệt và quan trọng hơn cả là đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường… 

Khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM gặp muôn vàn khó khăn, hầu hết các địa phương có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, người dân chưa phát huy vai trò chủ thể. Xác định XDNTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, do vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp XDNTM. 

Bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò của chi bộ Đảng, thôn, bản; vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; vai trò chủ thể của người dân nông thôn và sức mạnh của cộng đồng; sự hưởng ứng, đồng thuận, đoàn kết chung sức, chung lòng, tích cực tham gia thực hiện chương trình XDNTM của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh sau 6 năm thực hiện đã đạt được kết quả quan trọng. 

Nếu như năm 2015 toàn tỉnh mới chỉ có 6/157 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 3,8% tổng số xã của tỉnh), thì đến hết năm 2019 có 68/157 xã đạt chuẩn NTM chiếm 43,3% tổng số xã của tỉnh; năm 2020 dự kiến có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 78/157 xã, chiếm 49,7% tổng số xã của tỉnh, vượt 212% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. 

Không chỉ có vậy, trong những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng công nhận huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM. Song song với đó, các địa phương còn tập trung  nâng cao chất lượng xây dựng 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 (xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn và xã Đại Minh, huyện Yên Bình). Các xã tập trung vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Phong trào xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai mạnh mẽ. Trong năm 2019, đã có 29 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với vùng nguyên liệu; công nhận 8 sản phẩm OCOP đạt 160% kế hoạch là: miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); chè Shan tuyết Suối Giàng (huyện Văn Chấn); tinh dầu quế (huyện Văn Yên); gạo Séng cù (thị xã Nghĩa Lộ); bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình)… Dự kiến trong năm 2020 này phấn đấu 15 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao nâng cấp từ các sản phẩm đã chuẩn hóa năm 2019. 

Giai đoạn 2021 - 2025, đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác và đến năm 2030 phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm đạt chất lượng 3 đến 5 sao… 

Trong năm 2019, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 61 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với năm 2018); giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản: 140 triệu đồng (tăng 11 triệu đồng so với năm 2018); những diện tích sản xuất tập trung thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. 

Làng quê đổi mới, sản xuất phát triển, hạ tầng khang trang đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất hiện tại và tương lai. Không làm ào ào, mà Yên Bái đã huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư XDNTM, nhất là đã có sự tham gia đóng góp của xã hội và nhân dân. Trong 5 năm qua, đã kiên cố hóa được trên 700 km mặt đường bê tông xi măng và mở mới nền đường trên 1.180 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp, làm mới 707 công trình thủy lợi. 

Bên cạnh đó, còn đầu tư nâng cấp, sửa chữa và mở rộng lưới điện của 119/157 xã NTM; sửa chữa, nâng cấp được trên 20 công trình chợ nông thôn; phủ sóng thông tin di động và có hạ tầng cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao đến các xã vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh; 100% các xã có điểm phục vụ bưu chính, có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành; hầu hết các xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến thôn, bản; đầu tư xây dựng gần 300 phòng học các cấp; xây dựng được 212 công trình văn hóa (có 177 nhà văn hóa thôn, 35 nhà văn hóa xã); 80 công trình thể thao (12 khu thể thao xã và 68 khu thể thao thôn), 1 trung tâm văn hóa du lịch cộng đồng; sửa chữa, nâng cấp gần 40 trạm y tế xã... Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình XDNTM gần 6.000 tỷ đồng. Có thể nói, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn, nhất là các xã đạt chuẩn NTM đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và phát triển quy mô lớn.



Diện mạo nông thôn mới thay đổi từng ngày trên mỗi vùng quê. 

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có bước đột phá toàn diện. Nhận thức của các cấp, các ngành và của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc toàn tỉnh về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM đã có sự chuyển biến rõ nét. 

Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII. Các chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống và có vai trò thúc đẩy giải phóng và sử dụng có hiệu quả sức sản xuất, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, người dân vùng cao đã biết chia sẻ, hỗ trợ nhau tư liệu sản xuất, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. 

Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục.

Thanh Phúc
 (Bài 3: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ)