Đột phá “tam nông”- Bài 4: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/6/2020 | 8:08:12 AM

YênBái - Sản xuất nông nghiệp trong năm 2020 và những năm tiếp theo diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đây là xu thế tất yếu, khách quan...

Huyện Trấn Yên đã xây dựng vùng cây ăn quả có múi rộng hàng trăm héc-ta, mỗi năm mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân.
Huyện Trấn Yên đã xây dựng vùng cây ăn quả có múi rộng hàng trăm héc-ta, mỗi năm mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân.


Cùng với đó, Yên Bái đặt mục tiêu trong 5 năm tới (2020 - 2025), tốc độ tăng GRDP bình quân đạt trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nông - lâm nghiệp, thủy sản 22%; công nghiệp - xây dựng 30%; dịch vụ 48%; trên 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 10% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Văn Yên, Yên Bình đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành xây dựng NTM...  

Có thể khẳng định, định hướng xuyên suốt trong phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung và bền vững, gắn với chế biến sâu; đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa có giá trị cao phù hợp với từng địa bàn; khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp lâm nghiệp trồng rừng gỗ lớn gắn với chế biến. 

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nêu rõ định hướng trong phát triển nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025: tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững; dựa trên những lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, thế mạnh của từng vùng, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch nông thôn. 

Đối với vùng cao, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực, ưu tiên những sản phẩm đặc sản, hữu cơ… gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP, tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc để xây dựng chuỗi cung ứng kép đặc trưng, có chất lượng: phát triển nông nghiệp, nông thôn - du lịch; nông nghiệp, nông thôn - dịch vụ, thương mại, thiết thực nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao, kết hợp với bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, môi trường sinh thái gắn với xây dựng NTM bền vững. 

Đối với vùng thấp, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực: quế, măng tre Bát độ, lúa đặc sản chất lượng cao, ngô, cây ăn quả có múi, chè đen, chè xanh, sản xuất rau an toàn… có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy suất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP), gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến và hệ thống vận chuyển, kho bãi; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh liên kết ngang giữa nông dân trong hợp tác xã, doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp và hợp tác xã dẫn dắt, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các hộ dân, tổ hợp tác trong chuỗi giá trị; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt trên 4,5%/năm; giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung tăng lên 150 triệu đồng/ha; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung quy mô lớn, ngoài khu dân cư, áp dụng công nghệ, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; tăng đàn gia súc chính đến năm 2025 lên khoảng 1 triệu con, phát triển đại gia súc tại các huyện Lục Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên; chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại tại các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo an toàn sinh học, đi vào chuỗi cung ứng có giá trị và thương hiệu; mở rộng nuôi trồng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản giá trị cao tại các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái… phát triển sản phẩm cá sạch, cá đặc sản Hồ Thác Bà, nâng giá trị thu nhập bình quân trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 300 triệu đồng/ha/năm; nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 30% năm 2025. 



Sản xuất lâm nghiệp đã trở thành một nghề không thể thiếu đối với người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Xác định lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu: kinh tế, xã hội, môi trường; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp lên 37% vào năm 2025; đến năm 2025 có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn; khoảng 100.000 ha rừng trồng trở lên được cấp chứng chỉ FSC; bình quân hằng năm trồng trên 12.000 ha rừng các loại… 

Quy hoạch lại, tập trung phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn bằng các loại cây gỗ lớn, lâm đặc sản, cây ăn quả, quế… gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu dưới tán rừng. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM toàn diện, đồng bộ, vững chắc. 

Đặc biệt, đề cao vai trò chủ thể, tự nguyện, trực tiếp của nhân dân quản lý và xây dựng NTM; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của 76 xã đạt chuẩn gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu đến năm 2025 có thêm 46 xã đạt chuẩn NTM, huyện Văn Yên, huyện Yên Bình đạt tiêu chí huyện NTM, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. 

Đó là những mục tiêu, kế hoạch, định hướng rất rõ ràng, cùng với đó là ưu tiên cho việc hỗ trợ xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh khâu chế biến, ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để giảm chi phí, hạ giá thành của sản phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm. 

Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản như: Đề án phát triển cây ăn quả; Đề án phát triển trồng dâu nuôi tằm; Đề án phát triển chè vùng cao; Đề án nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp... 

Trong chăn nuôi, theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại gắn với an toàn sinh học và phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả, khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, sản xuất khép kín để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; tiếp tục cải tạo chất lượng con giống, loại thải thay thế dần đàn nái kém chất lượng bằng các giống chất lượng cao; tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi ra vào địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi; phát triển đa dạng các hình thức nuôi trồng thủy sản ở quy mô hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã; đưa các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất theo hướng du nhập những công nghệ mới về giống, kỹ thuật nuôi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước trên địa bàn tỉnh để phát triển nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh nuôi thâm canh, bán thâm canh; đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi theo lợi thế như: cá tầm, cá hồi, cá chiên, cá lăng, ba ba gai… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao; tổ chức liên kết theo chuỗi từ nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để nâng quy mô lồng cá nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến... Hay như trong phát triển lâm nghiệp, đưa giống cây chất lượng cao phục vụ sản xuất, triển khai thực hiện Đề án rừng trồng gỗ lớn để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế đối với 1 ha rừng trồng; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp...

 Với những định hướng rõ nét, mục tiêu cụ thể cùng sự quan tâm đầu tư cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân từ vùng thấp đến vùng cao chắc chắn sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và thực sự trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. 

Thanh Phúc