Bồi đắp thêm niềm tin của người dân vùng cao Yên Bái với Đảng

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2020 | 8:03:53 AM

YênBái - Hơn 10 năm trước, gần 70 hộ dân thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn sinh sống trên bản cũ chỉ cách bản mới bây giờ 3,5 km. Bu Cao khi ấy là một trong những thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Suối Bu.

Nhân dân huyện Mù Cang Chải tích cực lao động sản xuất.
Nhân dân huyện Mù Cang Chải tích cực lao động sản xuất.

Sau khi con đường lên bản bị sạt lở do mưa bão gây khó khăn cho việc đi lại, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, người dân Bu Cao đã bắt đầu hạ sơn vào năm 2007. Gia đình Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bu Cao Mùa A Chang hiện nay là một trong những hộ đầu tiên của thôn hạ sơn khi ấy. 

Ở bản mới, anh Chang cùng gia đình chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế để rồi có 900 m vuông ruộng nước một năm làm hai vụ lúa cùng 3.000 m vuông chè cổ thụ chừng 100 gốc, lại chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Gia đình anh Chang giờ có kinh tế khấm khá có thể nói là nhất bản.

"Mình thấy hạ sơn có rất nhiều thuận lợi cho cuộc sống nên mình vừa tranh thủ những thuận lợi ấy để phát triển kinh tế vừa phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của một người đảng viên để bà con trong thôn nhìn vào mà yên tâm xây dựng cuộc sống ở bản mới” - anh Chang chia sẻ. 

Sau hơn 10 năm hạ sơn, định cư sản xuất nơi bản mới, Bu Cao bây giờ có tới gần 130 nóc nhà kề nhau san sát. Con đường bê tông chạy dài suốt bản. Xe máy, ô tô người dân trong bản có cả. Điện sáng khắp bản... Toàn là những điều mà trước đây ít người dân nào ở Bu Cao nghĩ đến. Một cuộc sống mới thực sự hiện hữu ở một thôn vùng cao như Bu Cao này.

Huyện vùng cao Mù Cang Chải - nơi có tới hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nhiều năm về trước, bà con chỉ biết sản xuất một vụ lúa mùa. Bởi thế, đói nghèo hiện hữu rõ nét trong cuộc sống của bà con. 

Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ được đưa vào nghị quyết Đảng bộ trong nhiều nhiệm kỳ; trong đó, năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo xây dựng phương án quy hoạch vùng sản xuất 2 vụ giai đoạn 2012 - 2015, làm tiền đề mở rộng diện tích từ sản xuất 1 vụ sang 2 vụ. 

Được cấp ủy, chính quyền các cấp sát sao lãnh, chỉ đạo, nhiều đảng viên gương mẫu tiên phong thực hiện, đến nay, vụ đông đã trở thành vụ chính sản xuất chính của bà con với diện tích lúa 2 vụ đạt khoảng 1.800 ha. Cuộc sống no đủ hơn đã đến với bà con nơi đây từ những hạt thóc trên đất lúa 2 vụ. 

Chẳng những thế, đến hôm nay, nhiều cây trồng mới đã có mặt trên đất 1 vụ lúa ở Mù Cang Chải như lúa mì, cải dầu, gừng hay khoai tây... Nông nghiệp Mù Cang Chải từ chỗ chỉ tự cung tự cấp đã từng bước đảm bảo ổn định an ninh lương thực tại chỗ, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. 

Đó thực sự là một sự thay đổi không hề nhỏ trên mảnh đất này, cũng là kết quả của Mù Cang Chải trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 26-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 5/8/2008 và Chương trình hành động số 62-CT/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Ở Mù Cang Chải hôm nay, mỗi đảng viên còn đều có cuốn "Sổ tay đảng viên” mà Đảng bộ phát tận tay; trong đó, mục tiêu, định hướng phát triển của huyện quy định rất rõ, cụ thể nhiệm vụ của đảng viên nông thôn huyện Mù Cang Chải.

Cụ thể: mỗi gia đình đảng viên phải có một vườn rau từ 200 m vuông trở lên; có ít nhất năm con lợn trở lên, 30 đến 50 con gà, ngan, vịt. ngõ vào nhà phải được đổ bê tông rộng từ một mét, dày 7 đến 10 cm; 100% số đảng viên không còn nhà tạm, nhà dột nát, nhà phải bảo đảm ba cứng (cứng nền, cứng tường, cứng mái)... Ấy cũng là một cách để mang đến những đổi thay cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn từ chính mỗi đảng viên gương mẫu, tiên phong...

Nói đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi xưa là nói đến đói nghèo, lạc hậu... Nhưng nay, nơi ấy đổi thay từ những bản làng nhỏ như Bu Cao đến những địa phương nằm trong diện huyện nghèo cả nước như Mù Cang Chải... 

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, cấp ủy và chính quyền các cấp đã kiên trì vận động đồng bào thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, mở rộng diện tích ruộng bậc thang, cây sơn tra, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, các sản phẩm có lợi thế, giá trị cao; tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc vùng cao học tập văn hóa, rèn luyện kỹ năng sống. 

Riêng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã ưu tiên bố trí hơn 6.000 tỷ đồng nguồn lực ngân sách đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, trạm y tế, nước hợp vệ sinh... 

Do vậy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh tiếp tục có bước đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; phong tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, bản sắc văn hóa được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Toàn tỉnh có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giảm trên 7,8%/năm; năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại hai huyện còn dưới 37%... 

Đổi thay tích cực mỗi ngày một rõ nét hơn trong cuộc sống, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh với Đảng và Nhà nước cũng vì thế mà ngày thêm được củng cố, đắp bồi.  

Thu Hạnh