Phát triển nguồn nhân lực - đột phá chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Yên Bái - Bài 3: Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2020 | 8:15:06 AM

Công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ Đề án thực hiện gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết hợp với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Hội đồng đánh giá Đề án tốt nghiệp lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ trẻ tham gia Đề án số 11 của Tỉnh ủy. (Ảnh: Mạnh Cường)
Hội đồng đánh giá Đề án tốt nghiệp lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ trẻ tham gia Đề án số 11 của Tỉnh ủy. (Ảnh: Mạnh Cường)


Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Yên Bái ngày 9/6, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: "Đề án số 11-ĐA/TU về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 là sự sáng tạo, bài bản, công phu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái, phá vỡ tư duy nhiệm kỳ trong công tác cán bộ ở địa phương”. 

Từ Đề án chiến lược

Đề án 11-ĐA/TU ngày 8/8/2018 của Tỉnh ủy về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 được xác định là bước đột phá mang tầm chiến lược của tỉnh về công tác cán bộ. Lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh Yên Bái có một đề án căn cơ, bài bản, công phu về công tác cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, có tầm nhìn dài hơi trong tạo nguồn cán bộ kế cận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới. 

Nói Đề án công phu, bài bản là bởi, ngay sau khi hoàn thành dự thảo Đề án, Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều hội nghị xin ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt xin ý kiến tham gia của một số bộ, ngành trung ương mà trực tiếp là lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; tổ chức Hội thảo xin ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Đề án. Hàng năm, tỉnh dành nguồn lực đáng kể cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đề án không chỉ trong nước mà cán bộ còn được tham gia các khóa đào tạo tại nước ngoài.

Để công tác bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện căn cơ, bài bản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 22-QĐ/TU/2019 về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án 11-ĐA/TU. 

Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét, thực hiện quy trình rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ DTTS trong Đề án gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh và cơ quan, địa phương mình.

Chú trọng mở rộng và tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của các sở, ban, ngành và tương đương; vào cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt cấp huyện và tương đương. 

Năm 2019, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đối với 150 cán bộ của Đề án; rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với 51 đồng chí gồm 25 cán bộ trẻ, 12 cán bộ nữ, 14 cán bộ người DTTS để đào tạo, bồi dưỡng, từng bước tạo nguồn đội ngũ cán bộ kế cận lâu dài.

Vượt ra khỏi tư duy nhiệm kỳ, Đề án số 11-ĐA/TU đã thực sự đi trước một bước; thực sự coi đầu tư cho con người là đầu tư phát triển. Trên quan điểm đó, công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án được tỉnh thực hiện bài bản. 

Công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ Đề án thực hiện gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết hợp với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. 

Từ năm 2019 đến nay, thực hiện bổ nhiệm, điều động, luân chuyến, tăng cường đối với 34 lượt cán bộ của Đề án, bao gồm 19 lượt cán bộ trẻ, 4 cán bộ nữ, 11 cán bộ người DTTS. Cán bộ được bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 3 người. Số cán bộ được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương 6 người.

Số cán bộ Đề án hiện nay là cấp ủy viên cấp huyện và tương đương là 12 người; là cấp ủy viên cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 hiện có 41 người. Hiện nay, số cán bộ được bố trí, sử dụng kể từ khi tham gia Đề án chiếm 22% tổng số cán bộ của Đề án; trong đó, cán bộ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 3,3%. 

Từ kết quả đánh giá, rà soát đối với cán bộ kể từ khi tham gia Đề án đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định đưa ra khỏi Đề án 13 đồng chí gồm 1 cán bộ trẻ, 4 cán bộ nữ, 8 cán bộ người DTTS; giữ lại trong Đề án 137 đồng chí gồm 59 cán bộ trẻ; 41 cán bộ nữ; 38 cán bộ người DTTS. Đây là những đồng chí có năng lực công tác, có tố chất, triển vọng phát triển; có ý thức tổ chức kỷ luật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đảm nhận và thực hiện nhiệm vụ khi được phân công.

Xây dựng đội ngũ có trình độ chuyên môn cao

Cần hiểu, nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành nguồn nhân lực - nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây là lực lượng lao động có trình độ năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cao... 

Lực lượng này bao gồm công nhân, nông dân, kỹ sư, trí thức, nhà giáo, bác sĩ, thương gia, nhà hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội xuất sắc, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, cán bộ, công chức tham mưu, hoạch định chính sách ở tầm chiến lược... 

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái chú trọng quan tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý hành chính nhà nước, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có trình độ chuyên môn, năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. 

Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 1.145 cán bộ, công chức, người lao động thuộc khối Đảng, đoàn thể, trong đó chiếm 89,3% có trình độ đại học; 125 người trình độ thạc sĩ, chiếm 10,9%, cao hơn 0,9% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; tỷ lệ cán bộ trình độ cao đẳng trở xuống chỉ chiếm 10,8%. 

Đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động khối hành chính sự nghiệp của tỉnh hiện có trên 20.500 người, trong đó số người có trình độ từ đại học trở lên chiếm 63,6%, thấp hơn 18,4% so với mục tiêu Nghị quyết; trình độ thạc sĩ, tiến sĩ 758 người, chiếm 3,7%, cao hơn 1,7% so với mục tiêu Nghị quyết. 

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đến năm 2019, có trên 3.500 người. Tỷ lệ cán bộ công chức cấp xã có trình độ đại học và trên đại học, cao đẳng chiếm 61,7%, cao hơn 51,7% so với mục tiêu của Nghị quyết.

Tỉnh quan tâm, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực làm việc, ứng xử văn hóa theo những chuẩn mực của Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế. Giai đoạn 2012 - 2018, toàn tỉnh đã đào tạo trên đại học tại nước ngoài cho 8/30 cán bộ, đạt 26,7% so với mục tiêu của Nghị quyết. 

Có 60 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng ở nước ngoài, trung bình mỗi năm, bồi dưỡng 8 lượt người, đạt 40% so với mục tiêu của Nghị quyết. 

Năm 2019, đã có 54 cán bộ trẻ tham gia Đề án số 11-ĐA/TU được tỉnh cử đi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo tại Trường Đảng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh được quan tâm đào tạo. 

Hiện số nhân lực được đào tạo từ trình độ đại học tham gia lĩnh vực khoa học và công nghệ trở lên là 234 người. Giai đoạn 2011 - 2019, tỉnh đã cử đi đào tạo nâng cao 965 người về trình độ chuyên môn kỹ thuật. 

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo để có đủ năng lực tiếp nhận, chuyển giao khoa học và công nghệ ở một số lĩnh vực từ trình độ đại học trở lên hiện có trên 1.600 cán bộ, vượt 23% so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020. 

Cùng trong giai đoạn này, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đào tạo cho hàng nghìn đối tượng khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại trong hội nhập kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được đội ngũ doanh nhân, chuyên gia, quản trị doanh nghiệp có bản lĩnh, có năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, thích ứng với cơ chế thị trường ở một số ngành, nghề và lĩnh vực có lợi thế của tỉnh và của doanh nghiệp. 

Đội ngũ lao động kỹ thuật có bước phát triển nhanh, giai đoạn 2011 - 2019, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo được 139.818 người, bình quân 15.535 người/năm, đáp ứng yêu cầu của các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Khách quan nhìn nhận, trong ba khâu đột phá, phát triển nguồn nhân lực là một đột phá chiến lược có vai trò quan trọng, bởi phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. 

Với việc thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, bài bản nghị quyết của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành công bước đầu trong công tác cán bộ nói riêng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đúng như đánh giá của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. 

Minh Thúy
(Bài cuối: Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu hợp lý)