Hiệu quả từ chuyển đổi chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/6/2020 | 10:43:46 AM

YênBái - Hỏi đường đến nhà vợ chồng anh Hoàng Quốc Huy, chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Lao Động, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, người nào cũng chỉ dẫn rất nhiệt tình và không quên hỏi lại: “Mua giống hả? Hay mua thịt? Vợ chồng đó gì cũng hay…”.

Chăm sóc trâu, bò vỗ béo.
Chăm sóc trâu, bò vỗ béo.

Căn nhà sàn bằng gỗ khang trang giữa màu xanh mát mắt có trị giá không hề nhỏ nhưng anh Huy khiêm tốn rằng "cũng vầy vậy mà thôi”. Anh Huy có gần hai chục năm chuyên đi mua trâu, bò về bán lại và mổ bán. 

Ngày trước, đường sá, phương tiện đi lại chưa thuận lợi như bây giờ nên làm nghề này rất vất vả. Có khi mua được một con trâu hoặc con bò thì phải mất tới 4 ngày mới dong được về tới nhà hoặc thuê xe kéo, thuê người dắt. Sau này, khi đã tích lũy được vốn liếng và có kinh nghiệm trong nghề, anh quyết định chuyển hướng sang mua trâu, bò về vỗ béo để bán thịt và để bán giống nếu khách hàng có nhu cầu. 

Năm 2016, chuyển đổi sang chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, vợ chồng anh phải học hỏi từ những người đi trước cũng như tự rút kinh nghiệm từ thực tế của chính bản thân. Thời điểm nhiều nhất, trong chuồng nhà anh có 60 con trâu, bò, ngựa… 

Đối với gia súc mua về để vỗ béo hoặc bán giống, anh chị thật sự chú trọng khâu phòng bệnh, từ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin đến tẩy ký sinh trùng... Nguồn thức ăn cho gia súc gồm cám, cỏ, rơm, trong đó diện tích trồng cỏ voi của gia đình hiện đã có tới 7.000 m2, rơm thì mua dự trữ theo từng vụ lúa từ Đại Lịch (Văn Chấn), Hưng Khánh (Trấn Yên). Trước thì mua sáng, bán chiều, nếu chưa bán được ngay thì đem ra thả đồi nhưng nay chuyển đổi nuôi vỗ béo, bán giống nên phải đầu tư trồng cỏ, dự trữ thức ăn đầy đủ hơn. Theo chị Nhung, cám cho gia súc ăn là yếu tố quyết định nhất tùy theo sẽ bán thịt hay bán giống để điều chỉnh lượng ăn hợp lý.

Hiện nay, thành phố Yên Bái vẫn là thị trường tiêu thụ bò thịt lớn nhất của gia đình anh, còn bán giống thì khắp các nơi xa gần trong tỉnh, ngoài tỉnh đã biết tiếng. Tuy nhiên, lượng gia súc vỗ béo chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc, anh thường thuê xe tải chở đến các chợ trâu ở tỉnh Hà Giang, tỉnh Lào Cai bán cho thương lái Trung Quốc sang mua.

Chuyển đổi sang chăn nuôi vỗ béo trâu, bò và bán giống của gia đình anh Huy, chị Nhung đã cho hiệu quả tốt, thu nhập cao. Mua trâu, bò về vỗ béo thì cần khoảng thời gian từ 2,5 - 3 tháng, đối với bê phải gấp đôi thời gian đó. So với lợn thì nuôi trâu, bò vỗ béo có xác suất rủi ro thấp hơn, ít bệnh hơn, giá bán lại ổn định hơn, thậm chí giá cả cũng có thể cao hơn nhiều vì còn tùy khách, tùy thời điểm. Theo chị Nhung, nuôi vỗ béo trâu, bò trong chuồng nhàn hơn nhiều nuôi thả đồi như ngày trước mỗi lúc chưa bán được. 

Cùng một nhân lực, nuôi thả nhiều nhất cũng chỉ được 10 con nhưng nuôi chuồng có thể gấp ba lần. Ngoài ra, nuôi thả trong lúc đợi bán cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về phòng bệnh, dinh dưỡng… trong khi nuôi chuồng hoàn toàn chủ động. Bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi tốt giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cũng từ khi chuyển hướng chăn nuôi, anh chị thuê hẳn một kỹ sư chăn nuôi - thú y đã giúp cho công việc chăm sóc, phòng bệnh nằm trong tầm kiểm soát. 

Vì vậy, công việc kinh doanh ngày càng phát triển khi tận dụng tốt các cơ hội đem lại. Hiện nay, anh chị còn nuôi cả bò sinh sản để gây giống bán. "Lợi nhuận từ các nguồn thu mỗi năm của gia đình khoảng 500 triệu đồng” - chị Nhung ước tính - "Con số này dao động vì phụ thuộc từng thời điểm, từng năm khác nhau nhưng nếu nuôi vỗ béo trâu, bò thì bình quân lãi 1 triệu đồng/con/tháng”. Dự định của anh chị sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi trong thời gian tới sau khi đã tích lũy được thêm vốn, kinh nghiệm và mở rộng thị trường.

                                                                                                                                          Nguyễn Thơm