An Bình cán đích nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2020 | 1:35:04 PM

YênBái - Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự nỗ lực, chung tay của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, đến nay, xã An Bình, huyện Văn Yên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM.

Nhân dân xã An Bình tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã An Bình tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.

Trở lại xã An Bình những ngày này, chúng tôi nhận thấy rõ những thay đổi trong bộ mặt nông thôn. Hệ thống đường liên thôn và đường nội đồng đều được kiên cố hóa. Nhiều ngôi nhà hai, ba tầng với kiến trúc hiện đại mọc lên bên những chân đồi, cánh đồng như tô điểm thêm cho bộ mặt xã NTM. 

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã An Bình phấn khởi cho biết: "Kết quả XDNTM tại địa phương cho thấy sự thay đổi rõ nét trong hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Nhờ đó, nhân dân có điều kiện phát huy nội lực, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập. Dự kiến năm 2020, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 38,09 triệu đồng/người; số hộ nghèo đa chiều chỉ còn 90/1.461 hộ, chiếm 6,16%”.

Những kết quả trên thực sự đáng khích lệ bởi khi bắt đầu triển khai XDNTM, xã cũng gặp phải muôn vàn khó khăn do sản xuất nông nghiệp của xã có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; việc chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông, lâm nghiệp còn chậm; thu nhập thấp và dân trí không đồng đều... 

Trong tình hình đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức và sự tham gia ủng hộ của nhân dân cũng như tổ chức, đoàn thể trong XDNTM. Cùng đó, xã tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ngành nghề để nâng cao thu nhập của nhân dân. 

Theo đó, hàng năm xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao; đồng thời, hỗ trợ, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. 

Đến nay, ngoài việc duy trì ổn định 130 ha lúa với năng suất bình quân 55 tạ/ha, xã đã hình thành vùng trồng sắn 450 ha, cây ăn quả 75 ha, mía 10 ha, quế 460 ha, 79 ha rau, đậu các loại; tổng đàn gia súc chính đạt 1.635 con, gia cầm 20.450 con. Đặc biệt, xã đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình nuôi lợn của ông Lê Cao Vy, thôn Khe Rồng cho thu nhập khoảng 130 -150 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động; mô hình VACR của ông Trần Hồng Đương cùng thôn Khe Rồng mỗi năm cho thu nhập 220 - 250 triệu đồng/năm; mô hình trang trại tổng hợp trồng rừng, chăn nuôi, thả cá của ông Trần Văn Hưởng, thôn Khe Trang cho thu nhập vài trăm triệu đồng…

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ cũng có bước phát triển, góp phần tạo sự chuyển dịch lao động tích cực từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập đáng kể cho một bộ phận lao động nông nhàn. Đến nay, xã có 1 nhà máy, 2 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác đang hoạt động, 267 hộ kinh doanh tổng hợp, 12 ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải, 3 cơ sở làm mộc và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ như xưởng bóc gỗ, máy tuốt lúa, máy xay xát chế biến sắn khô, tinh bột sắn. Kinh tế chuyển biến và phát triển toàn diện, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân An Bình.

Đời sống người dân được nâng cao, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Trong gần 10 năm triển khai XDNTM, xã luôn chú trọng thực hiện theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Nhờ đó, chương trình XDNTM đã huy động, lồng ghép được nhiều nguồn lực, nhất là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của xã. Cụ thể, toàn xã huy động được trên 87 tỷ đồng trong XDNTM; trong đó, ngân sách Nhà nước trên 36,8 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp.

Từ các nguồn lực trên, An Bình có điều kiện đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM. Đến nay, đường trục thôn được cứng hóa trên 82%, đường ngõ xóm được cứng hóa trên 66,3%, còn lại là đường cấp phối; hệ thống kênh mương được kiên cố hóa 100%; các trường mầm non, tiểu học và THCS có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; cơ sở y tế, văn hóa được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và sinh hoạt của người dân.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, An Bình tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời, tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; chú trọng vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Hùng Cường