Thêm tươi sáng đồng đất Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2020 | 1:46:17 PM

YênBái - Đến nay, Nghĩa Lộ đã phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích trên 500 ha gắn với chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò”; phát triển sản xuất rau màu và cây ngô vụ đông đạt trên 75% diện tích đất 2 vụ lúa; nâng cao chất lượng 530 ha chè, sản lượng trên 8.000 tấn..

Đồng chí Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ trao đổi với người dân về chăm sóc, thâm canh giống lúa Séng cù trên cánh đồng Mường Lò.
Đồng chí Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ trao đổi với người dân về chăm sóc, thâm canh giống lúa Séng cù trên cánh đồng Mường Lò.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản thị xã Nghĩa Lộ trong 5 năm gần đây đã có bước phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thị xã.

Với nhiều điều kiện thuận lợi, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã khuyến khích, ưu tiên đầu tư hỗ trợ theo lộ trình phát triển sản phẩm chủ lực quan trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Sản xuất lúa đã có những đột phá rõ nét, tích cực, làm thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi tư duy của người dân. Việc áp dụng cơ cấu giống mới, tiến bộ khoa học mới đã được người nông dân đón nhận; vùng sản xuất lúa hàng hóa được xây dựng và duy trì ổn định qua nhiều năm, các giống lúa đặc sản như: Séng cù, Hương chiêm trở thành "tài sản” quốc gia thông qua việc công nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Mường Lò của Cục Sở hữu trí tuệ. 

Đồng chí Hà Văn Nam - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Khi tỉnh có chủ trương triển khai xây dựng các sản phẩm chủ lực lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, thị xã đã tổ chức triển khai và công bố nhóm sản phẩm chủ lực quan trọng được khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến các cơ quan chuyên môn liên quan, UBND các xã, phường; tuyên truyền sâu rộng từ thị xã đến cơ sở để nhân dân nắm bắt được nội dung chương trình, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia thực hiện, đồng thời chỉ đạo các đơn vị đăng ký thực hiện theo từng nhóm sản phẩm. Các xã, phường rà soát đăng ký sản phẩm chủ lực thuộc Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trình UBND tỉnh đưa vào Đề án; xây dựng kế hoạch thực hiện dự án theo từng nhóm sản phẩm, từng mùa vụ và giao kế hoạch cho các tổ, thôn, bản”.

Thông qua chương trình sản xuất lúa hàng hóa, tình trạng sản xuất manh mún, sản xuất theo tập quán của một số hộ nông dân đã cơ bản hạn chế; nhân dân tích cực ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện quy trình canh tác khép kín từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn… làm cho giá trị sản phẩm và đời sống của các hộ trồng lúa được nâng lên, là điều kiện thuận lợi để thị xã chỉ đạo mùa vụ, cơ cấu giống và tổ chức sản xuất vụ đông đạt hiệu quả cao. 

Đồng chí Quản Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: "Cục Sở hữu trí tuệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò cho 2 sản phẩm gạo Séng cù và Hương chiêm là bước khởi đầu quan trọng để đưa sản phẩm gạo đặc sản của khu vực cánh đồng Mường Lò đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thông qua đó triển khai quy trình sản xuất lúa gạo sạch, tạo vùng sản phẩm tập trung, ổn định về diện tích. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân”. 

Bên cạnh đó, thị xã tập trung phát triển chăn nuôi, lâm nghiệp, đặc biệt là các loại cây rau màu trong vụ đông. Nhiều loại cây rau màu mới có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân như: su hào, cải bắp, súp lơ, rau cần, ngô nếp tím Fancy 111... 

Nhiều mô hình dự án điển hình đã được triển khai thực hiện thành công và duy trì ổn định, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất vụ đông như: Đề án canh tác cây ngô đông, Dự án trồng nấm rơm trái vụ ngoài đồng, Dự án trồng rau chất lượng cao cà chua, súp lơ xanh, Dự án trồng ngô nếp Fancy 111, mô hình trồng măng tây, dưa hấu, dưa lê, chanh... đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ chú trọng sản lượng sang nâng cao chất lượng, từ chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình sang kết hợp giữa tiêu dùng và sản xuất hàng hóa.

Đến nay, Nghĩa Lộ đã phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích trên 500 ha gắn với chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò”; phát triển sản xuất rau màu và cây ngô vụ đông đạt trên 75% diện tích đất 2 vụ lúa; nâng cao chất lượng 530 ha chè, sản lượng trên 8.000 tấn; hình thành một số mô hình, sản phẩm có giá trị, mang lại thu nhập cao cho người dân như trồng hoa, cỏ ngọt, bưởi da xanh, bưởi Diễn, thanh long, chanh leo, mít Thái, mận, hoa đào, mướp đắng, dưa lê, dưa hấu, rau an toàn… gắn với thực hiện hiệu quả 7 sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Thị xã đã phát triển trên 90 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, tỷ lệ đàn gia súc chính tăng bình quân 3%/năm. Giá trị sản xuất nông - lâm, thủy sản sau hợp nhất 14 xã, thị trấn đạt 450,5 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt sau hợp nhất đạt 28.601 tấn. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất 2 vụ lúa sau hợp nhất đạt bình quân 135 triệu đồng/ha/năm.

Việc đầu tư hỗ trợ theo lộ trình phát triển sản phẩm chủ lực quan trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản ở thị xã Nghĩa Lộ đã làm đồng đất Mường Lò thêm màu tươi sáng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân, gắn với việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của thị xã Nghĩa Lộ.

Thành Trung