Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 17 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII: Hỏi ngắn- đáp gọn, đi thẳng vấn đề

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/7/2020 | 11:09:46 AM

YênBái - Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ hai, sáng nay (4/7), Kỳ họp thứ 17 - HĐND tỉnh khóa XVIII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề các đại biểu và cử tri quan tâm.


Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Tiến - Tổ đại biểu HĐND huyện Văn Yên cho rằng, do tác động của dịch bệnh Covid - 19, học sinh phải nghỉ học trong thời gian giãn cách xã hội dẫn đến kéo dài thời gian năm học 2019-2020, đặc biệt là phải học vào mùa hè thời tiết nóng nực, oi bức, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của các em, nhất là học sinh ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.  Ngành giáo dục đã có giải pháp gì nhằm đảm bảo tốt nhất nội dung, chương trình năm học và sức khỏe cho học sinh, nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay?



Về vấn đề này, ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (ảnh) cho biết: Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, tinh giản chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục- Đào tạo (GDĐT) và tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá theo kế hoạch; điều chỉnh thời gian ra vào lớp; không tổ chức các hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng nóng và nhiệt độ lên cao; tổ chức dạy ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 vào thời gian phù hợp, đảm bảo sức khỏe, tâm lý cho các em, không gây quá tải, áp lực cho giáo viên, học sinh song vẫn đảm bảo chất lượng. 

Để đảm bảo chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở đã chỉ đạo các  các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên xây dựng và triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Sở đã xây dựng bộ tài liệu ôn thi tốt nghiệp, hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn và thường xuyên hỗ trợ các trường khó khăn về dạy ôn thi tốt nghiệp. Trong thời gian nghỉ chống dịch bệnh Covid-19, Sở đã phối hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh xây dựng các video bài giảng ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12; tổ chức thi thử tốt nghiệp, phân tích, đánh giá kết quả để có giải pháp đảm bảo chất lượng kỳ thi. 

Giai đoạn từ nay đến khi tổ chức thi, Sở chỉ đạo các trường phải tổ chức bồi dưỡng riêng cho những học sinh yếu đảm bảo các em có đủ kiến thức, kỹ năng làm bài thi. Sở phân công các trường có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các trường khó khăn trong công tác ôn thi; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi tốt nghiệp tại các đơn vị.

Công tác chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các nhà trường, nhất là ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình dạy học theo lộ trình thay sách giáo khoa, từ năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới là vấn đề đang được xã hội, phụ huynh học sinh rất quan tâm và băn khoăn….

Về vấn đề này, ông Bằng đã thông tin rõ hơn về một số nhiệm vụ, giải pháp của ngành để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là: Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án "Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, trong đó, đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình cho toàn cấp học phổ thông của tỉnh. Đầu năm học 2020-2021, Sở sẽ tiếp tục tham mưu các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó quan tâm các giải pháp thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 

Năm học 2020-2021, Sở GDĐT sẽ thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục để từ đó có tư vấn, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình. 



Tiếp đó, đại biểu Phạm Quốc Sỹ - Tổ đại biểu thành phố Yên Bái (ảnh), cho rằng việc ban hành hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 ứng phó với dịch bệnh Covid -19 có chính sách hướng dẫn chưa đầy đủ, thiếu sự linh hoạt, chưa rõ về đối tượng thụ hưởng ... Do vậy, nhiều hộ dân đăng ký chính sách nhưng chưa biết rõ về điều kiện được hưởng, dẫn đến có những nội dung cần phải điều chỉnh. Việc chăn nuôi an toàn sinh học, nguồn cung con giống hiện nay thiếu nhiều, người dân chưa biết được các địa chỉ để mua con giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. 



Về vấn đề này, ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ảnh) cho biết: Ngay sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-  PTNT) đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Hướng dẫn số 01/HD-UBND hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh để ứng phó với dịch Covid-19. Có thể thấy, trong một thời gian rất ngắn, Nghị quyết chính sách đặc thù và Hướng dẫn thực hiện của UBND tỉnh đã được ban hành và tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Chính sách đã được người dân đồng tình hưởng ứng và đăng ký tham gia thực hiện một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, do tính chất, yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ, phải tham mưu hoàn thành ngay trong một thời gian ngắn nên việc đánh giá tác động của chính sách khi triển khai thực hiện ở cơ sở còn một vài bất cập. Do đó, một số nội dung hướng dẫn ban đầu về đối tượng được hưởng chính sách; tiêu chuẩn con giống chăn nuôi gia cầm đặc sản, lợn nái sinh sản, chuồng nuôi gia cầm và trình tự, phương thức cấp phát kinh phí còn chưa thực sự đồng bộ và chặt chẽ.

Về vấn đề nguồn cung con giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, ông Hùng cho biết thêm: Trước tình hình khan hiếm về con giống lợn do dịch tả lợn châu Phi gây ra, ngành NN- PTNT đã tiến hành kiểm tra, rà soát các đơn vị chuyên sản xuất con giống lợn trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt quy trình sản xuất con giống an toàn, đồng thời chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thẩm định, cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y... cho các cơ sở sản xuất giống để tăng cường nguồn cung con giống cho sản xuất của các hộ dân.



Đại biểu Lò Thị Thu - Tổ đại biểu huyện Văn Chấn (ảnh) cho biết: Hiện nay, ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng rà soát, thẩm định, chi trả trùng lặp, sót đối tượng… trong công tác triển khai chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. 



Về vấn đề này, ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (ảnh) cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu xây dựng và ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 28/04/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về  triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tại địa phương, tránh trùng lặp, nhầm và bỏ sót đối tượng. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Giang: quá trình triển khai thực hiện cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là: chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP là chính sách mới chưa có trong tiền lệ và có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau với số kinh phí thực hiện và số đối tượng thụ hưởng rất lớn; địa bàn tỉnh trải rộng, đi lại khó khăn; đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đối tượng trong khi thời gian triển khai lại rất gấp; hệ thống biểu mẫu lại yêu cầu nhiều thông tin, vì vậy dễ xảy ra sai sót, nhầm lẫn….

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 – HĐND tỉnh đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, hỏi ngắn- đáp gọn, đi thẳng vấn đề. Những vấn đề mà các đại biểu và cử tri quan tâm đã được các ngành trả lời thỏa đáng và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian tới.

Đức Toàn – Mạnh Cường