Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án “Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025”

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2020 | 2:01:06 PM

YênBái - Sáng 14/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025”.

Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án “Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025”
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án “Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025”

Tham gia phản biện đối với dự thảo Đề án "Thực hiện CTGDPT 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 -  2025”, cơ bản các đại biểu đều nhất trí với nội dung, bố cục và mục tiêu chung của Đề án là "Triển khai thực hiện thành công CTGDPT 2018 tại tỉnh Yên Bái. Đến năm 2025, hoàn thành việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018 ở tất cả các khối lớp với đầy đủ các điều kiện tối thiểu về đội ngũ, cơ sở vật chất. 

Chất lượng giáo dục ở mức khá so với khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Chú trọng xây dựng nhà trường và lớp học hạnh phúc. Học sinh đảm bảo yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất, năng lực theo lớp, cấp học gắn với mục tiêu xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. 

Các đại biểu đều cho rằng, Đề án đã có nhiều đổi mới trong việc sắp xếp hệ thống trường, lớp học; tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, sách, thiết bị dạy học; thực hiện các hoạt động đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Để việc triển khai thực hiện Đề án đạt được kết quả cao nhất, các đại biểu mong muốn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp các ban, ngành chức năng triển khai thực hiện mục tiêu của Đề án và đưa việc thực hiện Đề án vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ngành giáo dục tham mưu cho tỉnh bố trí kinh phí, sắp xếp đội ngũ đảm bảo các điều kiện thực hiện CTGDPT 2018; các cơ sở giáo dục tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tiễn. 

Đối với công tác tuyên truyền, các đại biểu đề nghị ngành giáo dục và các địa phương cần tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh; tích cực tuyên truyền về các mô hình, điển hình tiến về đổi mới, sáng tạo trong dạy và học,  những sáng kiến, giải pháp đột phá, cách làm sáng tạo, linh hoạt trong quá triển khai CTGDPT 2018; tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục, trường học.
Hồng Oanh