Yên Thành chuyển mình

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/7/2020 | 8:12:24 AM

YênBái - Xuất phát điểm thấp nhưng Yên Thành đang dần khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có và tạo ra đột phá, hứa hẹn về tương lai xã nông thôn mới ở vùng khó khăn này.

Dưa hấu trồng trên đảo hồ xã Yên Thành cho thu nhập kinh tế cao.
Dưa hấu trồng trên đảo hồ xã Yên Thành cho thu nhập kinh tế cao.

Chúng tôi về Yên Thành vào một ngày cuối tháng 6, nắng vàng óng trải rộng khắp mọi nẻo đường. Đã nhiều lần rong ruổi trên mảnh đất này, nhưng tôi vẫn không thể rời mắt khỏi những đồi cây lâm nghiệp đang thời kỳ khép tán phủ bóng xuống lòng hồ Thác Bà, những bãi soi ngô, khoai xanh mướt vút tầm mắt. 

Là một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, xã Yên Thành có 1.060 hộ dân với trên 5.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 95%, còn lại là các dân tộc: Kinh, Tày, Cao Lan… 

Yên Thành không có những lợi thế phát triển kinh tế như các xã trong huyện, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm của xã hầu như còn tạm bợ, chưa được đầu tư đồng bộ… Bên cạnh đó, do thu nhập thấp, nên đóng góp của người dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” chưa nhiều. Nhưng, bằng sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của người dân đã khiến Yên Thành hôm nay có sự chuyển mình mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng đường sá, thủy lợi, trường học, trạm y tế xã… được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh. 

Dẫn chúng tôi đi thực tế đời sống của nhân dân, anh Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch UBND xã Yên Thành phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước, mỗi năm Yên Thành đã huy động hàng ngàn công lao động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng. Điểm nổi bật nhất là nhiều tuyến liên thôn, nội thôn đã được nâng cấp mở rộng, bê tông hóa nhờ Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của tỉnh và huyện. 

Chỉ trong năm 2019 vừa qua, Yên Thành đã huy động từ sự tự nguyện đóng góp của người dân trị giá hàng trăm triệu đồng và trên 500 công lao động để cùng Nhà nước bê tông hóa trên 1,8 km đường thôn, bản, nâng tổng số đường bê tông trên địa bàn xã lên 15 km. 

Ngoài ra, các tuyến đường liên thôn khác cũng được thường xuyên tu sửa khang trang, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với làm đường, các công trình hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân như trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã cũng được xây dựng khang trang. 

Song song với đó, Yên Thành tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống lúa tiến bộ kỹ thuật vào gieo cấy trên 80% diện tích. Bình quân mỗi năm, xã đã mở 7 - 8 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng và tại thôn, bản giúp bà con nắm bắt được phương pháp chăm sóc lúa, hoa màu, nên năng suất 74 ha lúa một năm của xã đã tăng từ 45 lên 48,5 tạ/ha. 

Các loại cây màu khác như ngô, khoai, sắn, đậu đỗ được bà con đưa vào trồng trên đất hai vụ lúa, từ chỗ phải tạo điều kiện khuyến khích, giúp đỡ về giống và phân bón, nay các hộ đã tự giác tham gia trồng cây màu vụ ba, riêng cây ngô đông 5 năm trở lại đây mỗi năm xã trồng đạt 10 - 12 ha và Yên Thành luôn là xã hoàn thành vượt kế hoạch trồng cây vụ đông mà huyện Yên Bình giao. 

Người dân Yên Thành còn học tập kinh nghiệm, phát huy tiềm năng lợi thế của diện tích đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà đưa cây dưa hấu vào trồng trên đảo hồ. Riêng năm 2019, bà con đồng bào Dao Yên Thành đã trồng được trên 20 ha dưa hấu trên đảo hồ đem lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng. 

Phong trào trồng cây rừng phủ xanh đất trống đồi trọc đã được xác định là một trong những nguồn thu chính, đến nay, người Dao Yên Thành đã tự giác nhận đất trồng và bảo vệ rừng. Bình quân mỗi năm, xã trồng được từ 70 - 80 ha cây lâm nghiệp các loại, riêng trong năm 2019 toàn xã trồng được 95 ha đạt 118,7% kế hoạch, nâng tổng diện tích rừng trồng của toàn xã lên gần 1.000 ha, độ che phủ đạt trên 70%. 
Đồng thời, bà con cũng khai thác trên 4.000 m3 gỗ rừng kinh tế, bình quân mỗi năm rừng mang lại nguồn thu cho địa phương trên dưới 70 tỷ đồng. Nhiều hộ đã mạnh dạn nhận đất trồng với diện tích lớn, nay đã có thu nhập khá như gia đình ông Hoàng Đức Vượng ở thôn Trung Tâm, ông Đinh Văn Đệ ở thôn Ngòi Di, Đặng Kim Thái ở thôn Khe Cạn… 



Người dân xã Yên Thành chung sức làm đường giao thông nông thôn. 

Một thế mạnh trong phát triển kinh tế được Yên Thành phát huy là chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, tổng đàn gia súc của xã đã phát triển lên gần 2.000 con, trong đó đàn trâu, bò trên 800 con, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mỗi năm thu vài chục triệu đồng từ chăn nuôi như gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Trung Tâm, Lý Văn Tưởng ở thôn Ngòi Khương... 

Để có được những kết quả như hôm nay, bên cạnh việc vận động nhân dân phát huy nội lực phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã còn chỉ đạo các ngành đoàn thể ký ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội giúp trên 400 hộ đoàn viên, hội viên và nhân dân vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ lên đến trên 20 tỷ đồng, đồng thời vận động đoàn viên, hội viên giúp nhau tiền vốn, công lao động để phát triển sản xuất, có vốn lại được học tập khoa học kỹ thuật. 

Đến nay, hầu hết đời sống của người dân Yên Thành ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,1%, các hộ nghèo này hiện đang được xã và các ngành đoàn thể giúp đỡ cùng vươn lên, phấn đấu trong năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8%. Kinh tế phát triển đời sống tinh thần của người dân Yên Thành cũng từng ngày khởi sắc, các phong trào xây dựng làng bản văn hóa, phòng chống các tai tệ nạn xã hội, Bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được người dân hưởng ứng sôi nổi. Hầu hết các thôn đã xây dựng được đội văn nghệ thể dục thể thao, phong tục, tập quán lạc hậu cơ bản được xóa bỏ. 

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song hiện tại tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Yên Thành vẫn còn ở mức cao, đồng nghĩa với việc công tác giảm nghèo, việc làm vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng. 

Nói về giải pháp trong công tác giảm nghèo thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Địa phương sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập trung phát triển kinh tế thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả, từ đó hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đã đặt ra". 

Chia tay với xã Yên Thành, chúng tôi như hòa nhịp hối hả của người dân trong xã bắt tay vào vụ sản xuất mới, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Quang Thiều