Yên Bái đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2020 | 7:52:22 AM

YênBái - Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phát triển chính quyền điện tử hướng tới Đồng chí Hà Ngọc Văn- Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số, thích ứng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo định hướng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Hà Ngọc Văn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Đồng chí Hà Ngọc Văn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Đồng chí Hà Ngọc Văn- Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông: Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết khẳng định công nghệ thông tin là một ngành quan trọng trong hoạt động của tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Để cụ thể hóa chương trình hành động, kế hoạch của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu cho tỉnh kịp thời ban hành các kế hoạch, Chương trình hành động số 195 ngày 27/12/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 2912 ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND Thông qua Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025… 

Đây là các chương trình, nhiệm vụ thiết thực, mang tính đột phá trong nhận thức và đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cũng như hiệu quả hoạt động của các ngành, địa phương, đơn vị trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả nền hành chính tỉnh. 

Với tinh thần quyết tâm và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, vượt qua khó khăn về nguồn lực đầu tư cũng như khoảng cách về trình độ khoa học công nghệ, trong giai đoạn 2015 - 2020 hoạt động công nghệ thông tin tỉnh đã không ngừng phát triển tích cực. 

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số, thích ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo định hướng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi xin đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như sau:

Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng để xây dựng và cụ thể hóa các nhiệm vụ đã đề ra tại các chương trình, kế hoạch hành động về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. 

Trong đó, đẩy nhanh đầu tư và đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm về công nghệ thông tin theo kiến trúc chính quyền điện tử và Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, viên chức, có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin; nêu cao vai trò và trách nhiệm, quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp, xử lý dịch vụ công trực tuyến. 

Đồng thời, đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tăng cường công tác tuyên truyền về hiện đại hóa hành chính, hỗ trợ hướng dẫn cho nhân dân nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như tham gia các hoạt động trong cuộc sống số hiện đại.

Minh Tuấn (thực hiện)