Các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp sức cho giảm nghèo bền vững - Bài 1: Hợp lực từ các chính sách

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2020 | 1:58:39 PM

YênBái - Những chính sách được xem là cứu cánh đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo phải kể đến các chính sách tín dụng ưu đãi, Chương trình 30a...

Cán bộ lâm nghiệp huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc Sơn tra.
Cán bộ lâm nghiệp huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc Sơn tra.

Giai đoạn 2011 - 2020, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tác động tích cực, phát huy hiệu quả, giúp người dân, đặc biệt là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có việc làm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, nguồn lực Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần vào sự thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi Yên Bái, đặc biệt địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nhất là cuộc sống của người nghèo đã được cải thiện rõ rệt.

Một trong những chính sách được xem là cứu cánh đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo phải kể đến các chính sách tín dụng ưu đãi. Được biết, đến hết năm 2019, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, tăng 3 chương trình so với năm 2015. 

Tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 3.055,7 tỷ đồng, tăng 285 tỷ đồng so với năm 2018, tăng 10,2%. Cơ cấu dư nợ: nợ ngắn hạn chiếm 0,1%, nợ trung hạn chiếm 95,7%, nợ dài hạn chiếm 4,2%. Giai đoạn 2016 - 2019, thực hiện cho vay mới 73.636 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác với số tiền 2.856 tỷ đồng. 

Hết năm 2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.051 tỷ đồng với gần 83.000 hộ khách hàng còn dư nợ các chương trình, mức dư nợ bình quân 1 hộ đạt 36,8 triệu đồng. 

Trong 5 năm, từ nguồn vốn ưu đãi của chương trình, các hộ đã đầu tư cải tạo, trồng mới được 49.302 ha rừng, 1.956 ha chè, gần 1.100 ha cây ăn quả; mua 48.560 con trâu, bò; 41.250 con lợn, dê, cừu và hàng trăm nghìn con giống gia súc, gia cầm phát triển kinh tế, cải thiện và ổn định cuộc sống.

Mở rộng nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo được 24.881 công trình nước sạch, 24.881 công trình vệ sinh cho các hộ dân ở khu vực nông thôn.

Hỗ trợ 2.704 hộ nghèo làm nhà ở; trên 3.700 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập. 

Đặc biệt, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần tạo thêm hơn 5.000 việc làm mới cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. 

Cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Chương trình 30a - một chủ trương đúng đắn, phù hợp của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời trong giai đoạn này là điều kiện để các xã nghèo, hộ nghèo tại vùng ĐBKK của 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải bứt phá vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, GNBV. 

Giai đoạn 2011 - 2020, nguồn vốn Chương trình 30a đã đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái 65 công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có 28 công trình giao thông, 29 công trình thủy lợi; duy tu bảo dưỡng 35 công trình. 

Thực hiện 93 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo với 55.046 hộ tham gia, 122.386 người được hỗ trợ.

Trong đó, hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ trên 79.684 ha rừng các loại với gần 23 nghìn hộ tham gia; hỗ trợ trên 126.500 liều vắc-xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ 32.197 hộ các giống lúa, ngô lúa, phân bón phát triển sản xuất; hỗ trợ gần 100 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. 

Thêm vào đó, nguồn lực từ Chương trình 135 cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 576 công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản ĐBKK; trong đó, có gần 400 công trình giao thông; trên 80 công trình thủy lợi; kiên cố hóa 14 công trình trường, lớp học; 70 công trình nhà văn hóa… 

Triển khai thực hiện 635 dự án phát triển sản xuất và 14 mô hình giảm nghèo cho trên 48.500 hộ tham gia với trên 90.500 người được hỗ trợ về giống vật nuôi, cây trồng, hỗ trợ về máy móc, phân bón, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất. 

Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, đã thực hiện 171 dự án phát triển sản xuất, 7 mô hình giảm nghèo cho 1.641 hộ tham gia gần 3.000 người được hỗ trợ... 

Các chính sách hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, người có thu nhập thấp được triển khai thực hiện đồng bộ đã mở ra nhiều cơ hội mới về việc làm, tăng thu nhập cho người dân các địa phương. 

Giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 80.923 người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là trên 17.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên 63.800 người. 



Cán bộ xã Sơn A, huyện Văn Chấn kiểm tra nông cụ sản xuất được Nhà nước hỗ trợ cho nông dân vùng cao. 

Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 75.564 người, bình quân 18.890 người/năm. Trong đó, từ nguồn phát triển kinh tế - xã hội là 43.297 người; vốn vay giải quyết việc làm được 6.870 người; xuất khẩu lao động 4.493 người; cung ứng lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 20.904 người. 

Đặc biệt, thực hiện Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 1076/2018, năm 2019, toàn tỉnh đã chuyển dịch được trên 6.300 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh hiện chiếm 61,61% so với tổng số lao động hoạt động kinh tế, giảm 7,83% so với năm 2016. 

Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh ước đạt trên 60%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo ước đạt 29,4%. 

Thực hiện chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), tính đến hết năm 2019, tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 96,8%, trong đó 100% đối tượng người nghèo và người cận nghèo được tham gia BHYT. 

Toàn tỉnh có 126 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám chữa bệnh và được tiếp cận với dịch vụ y tế công. Chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; trợ giúp đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại bởi thiên tai, rủi ro bất khả kháng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. 

Trong 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ cho gần 1.500 lượt hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại bởi thiên tai, rủi ro bất khả kháng, tổng kinh phí hỗ trợ trên 24,4 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực cho 73.185 lượt hộ, 252.289 lượt khẩu bị thiếu đói trong các dịp tết, giáp hạt và sau các đợt thiên tai với 3.736,605 tấn…

Thực tế cho thấy, sự hợp lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua đã kích thích phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; từng bước hình thành và phát triển sản phẩm mang tính hàng hóa…, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là địa bàn các huyện, xã, thôn, bản vùng sâu, vùng ĐBKK, lập nên kỳ tích mới trong công tác giảm nghèo ở Yên Bái.

Minh Thúy
(Bài 2: Kỳ tích giảm nghèo)