Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với lần tiếp Tổng thống Mỹ Bill Cliton

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2020 | 9:39:10 AM

Nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đất nước ở thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Đồng chí đã cùng trải qua những sự kiện lịch sử như tiếp đón Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam…

Tổng thống Bill Clinton hội kiến Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Trụ sở Trung ương Đảng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh kết thúc, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước - tháng 11/2000.
Tổng thống Bill Clinton hội kiến Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Trụ sở Trung ương Đảng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh kết thúc, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước - tháng 11/2000.

Cuối năm 2000, thời điểm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cũng là thời gian nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sắp hết khóa VIII, đang chuẩn bị cho Đại hội IX. Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh, sự kiện Tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng gặp, tiếp nguyên thủ Mỹ tại Hà Nội là một dấu mốc đi vào lịch sử.

Ông Bill Clinton là Tổng thống đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tiếp một Tổng thống Mỹ với tư duy đổi mới "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Đồng chí Lê Khả Phiêu cũng là người đầu tiên tiếp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton, ngày 18/11/2000, nguyên Tổng Bí thư chào đón, hoan nghênh vị nguyên thủ Mỹ và phu nhân cùng phái đoàn sang thăm Việt Nam, hoan nghênh ông Bill Clinton đã trình bày các quan điểm về việc nối lại quan hệ hòa bình Việt – Mỹ sau chiến tranh.

Tuy nhiên, người lãnh đạo đứng đầu Đảng cũng bày tỏ thẳng thắn quan điểm đánh giá về cuộc chiến tranh Mỹ gây ra với Việt Nam.

"Tôi đồng ý với ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành… Việt Nam có đem quân đi đánh Mỹ đâu mà Mỹ lại đem quân sang đánh Việt Nam?” - Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói với Tổng thống Mỹ.

Đồng chí khẳng định, cuộc kháng chiến chống xâm lược của Việt Nam là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với Việt Nam, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh.

Người đứng đầu Đảng khi đó nhấn mạnh về bài học của quá khứ. Theo đồng chí nguyên Tổng bí thư, điều quan trọng là những người có trách nhiệm đừng để lặp lại những việc như đã làm trong quá khứ. Từ quá khứ phải rút ra kinh nghiệm và phải có trách nhiệm đúng đắn với quá khứ. Còn đối với người Việt Nam, quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại, tương lai.

Nguyên Tổng Bí thư nhắc tới phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara, xác nhận việc phải rút kinh nghiệm về cuộc chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định với Tổng thống Mỹ về công cuộc đổi mới bắt đầu từ mục tiêu độc lập dân tộc và vì mục tiêu độc lập dân tộc của Việt Nam để đi tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Hơn 30 năm chiến tranh, 19 năm bị cấm vận, gặp vô vàn khó khăn, thách thức nhưng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn phát triển và nhất định sẽ phát triển” – đồng chí nhắc lại nội dung trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong cuộc gặp trước đó: "Bà Bộ trưởng Ngoại giao trong một lần gặp tôi có hỏi: Chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: Không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi…”.

Nêu quan điểm với nguyên thủ Mỹ về vấn đề đối ngoại, Tổng Bí thư cho biết, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền…

Về chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Tổng Bí thư nói: "Theo tôi, buôn bán là buôn bán, chính trị là chính trị, đừng gộp buôn bán với chính trị. Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi. Việc các nước có chế độ chính trị khác nhau cũng không ngăn cản sự hợp tác để cùng phát triển nếu biết tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi”.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kết thúc bài phát biểu chào mừng Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến Việt Nam: "Chúng tôi quý trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily, con gái của Morrison (người phụ nữ Mỹ ở Pennsylvania năm 1965, bế con gái Emily một tuổi tới trước văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng McNamara rồi tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam - PV), và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã hoàn thành việc ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) (Hiệp định ký ngày 13/7/2000, có hiệu lực từ ngày 10/12/2001 -PV) sau hơn 2 năm đàm phán.

Về việc này, nguyên Tổng Bí thư đã từng yêu cầu tạm dừng trong năm 1999 để xem xét cẩn trọng. Trao đổi với báo chí ít năm trước về quyết định tại thời điểm trước, ông Lê Khả Phiêu giải thích, khi đó có chế độ cố vấn, dù sao cũng phải tôn trọng. BTA cũng chưa thuyết phục được đa số Bộ Chính trị.

Có một vấn đề là ngay trước thời điểm dự định ký kết (tại hội nghị APEC ở Auckland, Australia), phía Mỹ cũng đột ngột đưa thêm 2 chương mới vào dự thảo Hiệp định, từ 5 chương lên thành 7 chương.

Đứng trước quyết định không dễ dàng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo đứng đầu Đảng. Đồng chí nhấn mạnh nguyên tắc, trước những vấn đề quốc tế khi có những ý kiến khác nhau thì phải đảm bảo chín muồi cả về nội dung lẫn kỹ thuật và phải tôn trọng tính tập thể.

(Theo Dân Trí)