Làm gì để phòng trừ hiệu quả ?

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2020 | 2:02:17 PM

YênBái - Hiện nay, trên cây keo rừng trồng tại địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh hại chính là mọt đục thân và bệnh chết héo. Đây là các đối tượng có nguy cơ làm ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị kinh tế của cây keo.

Keo bị thối ruột sau đó chết đồng loạt (ảnh minh họa).
Keo bị thối ruột sau đó chết đồng loạt (ảnh minh họa).

Một năm, mọt đục thân cây keo có 7 lứa gây hại, trong đó cao điểm gây hại vào tháng 7, 8 và tháng 10, 11. Mọt trưởng thành tấn công vào thân cây keo, đục qua lớp vỏ, đào đường hầm vào thân cây đồng thời đào đến đâu cấy nấm đến đó làm cho vỏ cây sùi nhựa, sau khoảng 5 - 10 ngày chuyển màu đen. 

Mọt trưởng thành đẻ trứng trong đường hầm, sau khi trứng nở thành sâu non ăn các sợi nấm có sẵn trong đường hầm để sinh sống. Sợi nấm hại có màu đen trong các đường hầm do mọt đục. 

Cây keo non bị mọt đục gây hại sẽ còi cọc, còn những cây keo từ 3 - 5 năm tuổi bị mọt gây hại sẽ suy giảm giá trị thương phẩm và giá trị kinh tế. Đối với bệnh chết héo ở cây keo do nấm Ceratocystis manginecans gây hại quanh năm, cao điểm bệnh gây hại nặng vào tháng 3, 4 khi ẩm độ không khí cao. 

Bệnh gây hại mạnh trên những đồi keo thiếu chăm sóc, sử dụng nguồn cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, đồi keo trồng mật độ dày. Những đồi keo bị mọt đục thân hoặc bị côn trùng và gia súc gây vết thương cơ giới tại gốc, thân, cành cũng tạo điều kiện cho nấm xâm nhập và gây hại. Cây keo tai tượng bị bệnh chết héo phát triển rất kém. 

Khi cây keo bị bệnh, lá có hiện tượng chuyển dần sang màu vàng từ ngọn xuống, sau đó toàn bộ lá cây chuyển màu vàng rồi héo dần từ trên ngọn xuống nhưng lá vẫn treo trên cây, không bị rụng. Trên thân cây, gốc cây, cành cây có vết loét, thâm hoặc lõm gây sỉ mủ hoặc sùi bọt ở ngoài vỏ. 

Vỏ và gỗ xung quanh vết bệnh bị biến đổi màu thành màu đậm hơn bình thường, vạt lớp vỏ ngoài thân cây sẽ thấy gỗ màu nâu đen đến xanh đen. Rễ cây bị bệnh cũng có màu nâu đen hoặc xanh đen. Nếu bệnh nặng, cây bị héo toàn bộ tán lá rồi khô dần và chết cả cây. 

Bà Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết: "Để hạn chế thiệt hại do mọt đục thân và bệnh chết héo gây ra trên cây keo, Chi cục đã ban hành hướng dẫn biện pháp phòng trừ. Trên cơ sở đó, Chi cục đề nghị trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn liên quan nghiêm túc phối hợp thực hiện”. 

Nguyễn Thơm