Người phụ nữ Pà Thẻn vươn lên nhờ đồng vốn chính sách

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/8/2020 | 8:22:52 AM

YênBái - Trong chuyến công tác về xã Tân Hương, huyện Yên Bình, chúng tôi được đồng chí Đỗ Trọng Vinh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã kể cho nghe câu chuyện trên địa bàn xã có chị Xìn Thị Thúy là người dân tộc Pà Thẻn cùng với chồng là Mễ Văn Nghĩa vươn lên trong cuộc sống nhờ đồng vốn chính sách của Chính phủ.

Chị Xìn Thị Thúy (thứ 2 từ trái sang) có cuộc sống ổn định nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ.
Chị Xìn Thị Thúy (thứ 2 từ trái sang) có cuộc sống ổn định nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ.

Trên con đường bê tông phẳng phiu về thôn Ngòi Vồ, đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Chị ấy sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hà Giang, xây dựng gia đình với anh Mễ Văn Nghĩa là công dân địa phương từ năm 2013, là người dân tộc Pà Thẻn duy nhất trên địa bàn xã. 

Chị Thúy nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương bởi chị thuộc dân tộc đặc biệt ít người (hiện nay, tộc người Pà Thẻn chỉ có khoảng 7.000 người). Các tổ chức, đoàn thể và bà con trong thôn giúp chị hòa nhập với cộng đồng dân cư, khuyến khích tham gia tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng đời sống mới.

Chị Thúy là người hiền lành và chịu khó nên gia đình bên chồng, bà con trong xóm ai cũng quý mến. Hơn 2 ha rừng được cha mẹ chồng để lại cũng không được tốt tươi, chị Thúy bàn với chồng mạnh dạn đăng ký vay vốn để chăm sóc rừng. 

Đầu năm 2013, vợ chồng chị được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 30 triệu đồng. Với số tiền ấy, vợ chồng chị Thúy tổ chức phát cỏ dại, mua phân bón về chăm sóc rừng keo theo đúng quy trình hướng dẫn. 

"Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, rừng của vợ chồng anh chị Nghĩa Thúy được chăm sóc đã phát triển mạnh. Đầu năm 2016, khi chu kỳ vay vốn kết thúc, anh chị chặt bán để lấy tiền trả cho Ngân hàng. Tiền thu được từ bán đồi rừng, cộng với tích cóp từ việc tham gia lao động tại các công trường, nhà máy, anh chị đã chính thức thoát nghèo. 

Để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, anh chị  vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với chu kỳ 5 năm, cộng với số tiền của gia đình, anh chị mua thêm hơn 1 ha đất liền kề và trồng lại toàn bộ bằng giống keo mới năng suất, chất lượng gỗ cao hơn. 

Mới đây, anh chị khai thác toàn bộ diện tích rừng, số tiền thu được hơn 300 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp được, anh chị đã xây một ngôi nhà mới trên 100 m2, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt. 

Trong ngôi nhà mới khá khang trang, chị Xìn Thị Thúy chia sẻ: "Con mình đi học được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, chồng mình vẫn đi làm công nhân, mình ở nhà làm ruộng và làm rừng, cuộc sống ngày càng ổn định. Mình sẽ trả toàn bộ số tiền vay đúng kỳ hạn và sẽ tiếp tục đăng ký vay vốn theo Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn để phát triển chăn nuôi. Mình và 40 hộ gia đình trong thôn Ngòi Vồ này đang khá lên nhờ các chính sách của Chính phủ, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi”.

Được biết, xã Tân Hương là địa phương sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách. Đến nay, trên địa bàn xã có 748 hộ vay vốn với số tiền 25,9 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. 

Đồng bào các dân tộc trong xã Tân Hương vay vốn tín dụng chính sách thông qua các tổ chức chính trị xã hội, được quản lý chặt chẽ theo đúng quy trình và được trang bị kiến thức quản lý và sử dụng vốn vay, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… nên đồng vốn đã phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo và từng bước xây dựng quê hương theo hướng nông thôn mới.

Lê Phiên