Yên Bái là tỉnh đầu tiên khu vực Tây Bắc thực hiện liên thông, ký số văn bản 4 cấp

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2020 | 5:55:02 PM

YênBái - Chiều 26/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ủy ban với các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái. 

Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử 

Ngày 10/7/2020, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao.

Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc). Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá cao ở những nỗ lực của ngành thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử. 

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền; đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị. 

Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3.000 giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên khu vực Tây Bắc thực hiện được liên thông, ký số văn bản 4 cấp

Đối với tỉnh Yên Bái, 8 tháng năm 2020, Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh đã ban hành và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chính quyền điện tử tỉnh; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính quyền điện tử; triển khai kế hoạch thực hiện kiến trúc Chính quyền điện tử. Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông, chia sẻ với Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh. Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. 

Đến nay đã được triển khai tại 105 điểm, trong đó có 31 điểm là các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; 71 xã, phường, thị trấn; 3 trung tâm trực thuộc các sở, ban, ngành. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến cấp tỉnh, cấp huyện đến 100% văn phòng cấp ủy và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và 108 xã, phường, thị trấn.

Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái hiện nay đang được triển khai xây dựng trình phê duyệt và thực hiện 2 dự án. 

Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh Yên Bái đã tổ chức thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) đối với phần mềm Quản lý văn bản của Viettel Yên Bái, cài đặt và đưa vào sử dụng cho 100% các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh; UBND các cấp và đã được tích hợp chữ ký số. 

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong khu vực Tây Bắc thực hiện được việc liên thông, ký số văn bản 4 cấp từ Chính phủ tới cấp xã. 

Đối với hệ thống thư điện tử, đến ngày 20/8/2020, toàn tỉnh đã cung cấp 3.319 tài khoản thư cho cán bộ của 42 sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. 

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được tăng cường, không để xảy ra tình trạng mất an toàn, an ninh mạng, lộ lọt bí mật Nhà nước…

Các bộ, ngành, địa phương phải tăng tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại như: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 còn thấp; một số cơ sở dữ liệu quốc gia chậm...  

Thủ tướng đề nghị tập trung một số việc: tiếp tục phát triển thể chế, chiến lược Chính phủ điện tử; các bộ, ngành, địa phương phải tăng tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tiếp tục tích hợp dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tiếp tục hoàn thiện các phần mềm để nâng cao hiệu quả; dành nguồn lực thích đáng cho phát triển  công nghệ thông tin đảm bảo hiệu quả...
Trần Minh