Cảm nhận đọc “Người đánh rơi câu hát” của Ngọc Chấn: Hồn thơ gắn bó với đời

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/9/2020 | 8:01:50 AM

YênBái - Bạn đọc Yên Bái biết đến Ngọc Chấn qua các tập thơ “Vĩ thanh người lính”, “Miền đất tôi yêu”, “Nơi dòng sông gặp biển” và bây giờ lại được đón đọc tập thơ mới của anh “Người đánh rơi câu hát” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - năm 2019).


Năm mươi bài thơ, vẫn cái giọng điệu "lơ ngơ” của người thơ "phiêu diêu chiều mơ” ta gặp ở các tập thơ trước "Người đánh rơi câu hát cuối chiều/Câu hát lang thang theo đàn ngựa hoang/Gặp lại sông sóng tìm bến cũ/Bến đục, bến trong chòng chành mắt ướt…” (Người đánh rơi câu hát).

Phiêu diêu mà rất tỉnh, chiêm nghiệm cuộc sống giúp anh nhận ra rằng "Con đường đã qua sao còn đất lạ/Đường ra biển rộng sao còn quanh co” (Con đường đi ngược dòng sông). Chính vì thế, trong thơ tác giả nói nhiều đến mất còn, dòng đời trong đục, bể dâu "Ta nhẹ nhàng đặt chân lên cỏ/ Cỏ có còn lối rẽ để tìm nhau/Biết cuộc đời còn lắm bể dâu” (Nơi ngọn nguồn nỗi nhớ). Cũng có lúc tự vấn để hiểu rõ mình, để tỉnh táo hơn mà nhận ra chân lý cuộc sống:

Trên sóng gió 
Tưởng mình cao rộng
Ta chìm trong cát mặn biển sâu 
Lòng biển hiểm nguy mà ta chưa biết  
               (Lời biển)

Là người cả nghĩ hay cái tôi nhà thơ cứ thôi miên anh vẩn vơ trước bao buồn vui của chốn nhân quần. Thì ra không chỉ ngày xưa mà bây giờ cái bả hư vinh, giấc mơ danh vọng… vẫn như thứ ma mị huyễn hoặc bao người. Rồi đạo đức xã hội băng hoại, niềm tin bị đánh mất "Thả chút bâng quơ vào năm tháng/Tìm người tri kỷ nẻo phù vân/Phù vân xa lạ như là cỏ/Chuyện cũ đã qua cỏ nói gì” (Phục hiện). 

Thế chăng mà cái tâm thơ day dứt "Ta lặng lẽ trông cây nhìn lá rụng”, "Ta đánh rơi đêm trắng bởi câu thề”, "Ta hóa thuyền tìm bến đỗ nơi đâu”… Nhìn lại chặng đời đã đi qua "Tháng năm trong đục thuyền xa bến”, người thơ khao khát một "Bến Đợi” để tìm tri kỷ, tri âm; để xóa đi mọi ngộ nhận hướng tới miền "Đất Lành” chân thiện:

Ngược dòng Bến Đợi ta tìm bạn
Nắng nhạt mờ sương tưởng Đất Lành
            (Bến Đợi)  

Từng là sĩ quan thuộc binh chủng xe tăng rồi đi làm báo, làm văn, chứng kiến bao vui buồn nhân gian để càng thêm tin "Cây đổi gió một chiều đông tiễn biệt/Những nụ mầm chúm chím đợi mưa sang/Ta đối diện ngàn xanh chờ hạt nắng/Gieo trong lòng điệp khúc cuối ngày đông” (Điệp khúc cuối ngày đông). Những "phấp phỏng giao mùa” rồi sẽ qua, "xuân trở lại cho lòng ta tĩnh mịch” và hồn thơ lại thơ thới "Đó đây tỏa ngát hương trời đất/Phả vào nhân thế một ngày xuân”.

Bàn về thơ, Ngọc Chấn nêu quan niệm đó là sự "ký thác” một tâm trạng, một nỗi niềm của tác giả. Trong tập thơ hầu như anh đã bộc lộ cảm xúc theo hướng này. 

Nói về những con đường, dòng sông, biển, cây rừng, cây phố hay gió, trăng cùng cảm thức mùa… bao giờ cũng thấp thoáng bóng hình người thơ. Là người đi nhiều, mỗi miền đất đặt chân đến đều được ghi lại: "Vân Đồn”, "Bái Tử Long”, "Nha Trang”, "Thuận An”, "Côn Đảo”, "Lào Cai”. Ở đâu người đọc đều cảm nhận thấy cái đa tình, sâu nặng, ngọt ngào như người yêu nói với người yêu:

Sóng chẳng thể dịu êm
Để suốt đời biển động 
Trải lòng mình lên sóng
Bỗng gặp người Nha Trang
                       (Nha Trang)

Còn nơi chôn rau cắt rốn - Làng Nhuế, phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ thì sao mà da diết. Trong tập thơ "Nơi dòng sông gặp biển” Ngọc Chấn từng tả "Làng như con thuyền nhô ra mặt sông”, "Ngoảnh mặt về phía biển ta gặp làng bên trái”, "Ta lớn lên từ Làng nhờ bờ bãi/ bắp ngô non lót dạ trưa hè”. Đến tập thơ này vẫn là "Quê hương ta tảo tần vất vả”, "Hàng tre gầy thả tóc dưới chân đê/Hoa mua tím nhớ ngày ra trận/Dòng sông Chảy có điều gì vương vấn/Để ta về còn mãi nỗi đam mê”. 

Có chăng giờ thêm một mối tình dù rằng dang dở bởi vô vàn lý do, hoặc giả đơn phương hay chưa một lời ước hẹn "Gặp lại ngõ xưa Người xưa vắng/Bàn chân nhè nhẹ giữa làng quê/Mùa xuân dừng lại vơi ánh mắt/Đò đã sang ngang vẫn ngỡ ngàng” (Lặng lẽ thời gian). Và ký ức về người mẹ "dáng lưng còng nơi cuối đất” nặng gánh lo toan, chịu thương chịu khó vẫn là hình tượng đẹp rung động con tim bao người:

Chiếc đòn gánh tre tất bật 
Một nắng hai sương
Mẹ gom nhặt tháng ngày
Vạt cỏ may đan vào nỗi nhớ
Tuổi thơ
                    (Giấc mơ đêm) 

Đã có cả tập thơ "Vĩ thanh người lính” song tiếng lòng nhà thơ trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn hướng về bạn bè quân ngũ. Thời hậu chiến, "những người lính trở về” gương mặt còn in trận sốt rét ở rừng, tay lại tiếp tục "cầm cày cầm cuốc/Giọt mồ hôi rơi lã chã trên đồng” vẫn không quên hình ảnh đồng đội từng gắn bó nắng mưa một thời "Đêm đêm pháo kích đã từng/Bạn ra trận cõng trên lưng nắng chiều”. Ngày chiến thắng nhiều người đã không về "Bỏ quên câu hát giữa chừng/Máu xương nhuộm đỏ đất rừng miền Đông” (Miền Đông ngày trở lại). Song "sử sách vẫn còn ghi” và trong tâm thức mọi thế hệ người Việt Nam tên tuổi các anh "hóa thạch”, trở thành tượng đài sừng sững; sự hy sinh "không mặc cả cho mình” đã "Gửi niềm tin vào đất/Cả cuộc đời mình là lá phiếu gửi Nhân dân”.

Đọc "Người đánh rơi câu hát” thêm một lần khẳng định sự vững vàng của Ngọc Chấn trong nghề thơ. Suy tư sâu sắc, đôi bài pha chất haikư "Tiếng ếch kêu đêm/Mùa đông im lặng/Đợi một cơn mưa/Lặng sấm”… khiến khách thẩm thơ không dễ lướt nhanh mà phải chậm rãi nhâm nhi tìm lời đồng vọng. Và hiện thực pha chút lãng du, thơ Ngọc Chấn cũng có nhiều câu tình tứ "Trúc xinh sao cứ vô tình/Dưới mưa đợi nắng đầu đình đợi trăng” hay "Ta đánh rơi đêm trắng bởi câu thề/ Trước sông nước mái chèo khuya khoan nhặt”… Dẫu đôi khi thật đến thô tháp mà cái tình vẫn cứ vượt lên, như để khẳng định một giọng điệu riêng, một hồn thơ gắn bó với đời.

Thế Quynh