Học Bác để có cuộc sống sung túc

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/9/2020 | 1:41:26 PM

YênBái - Học tập và làm theo tấm gương của Bác đã và đang trở thành phong trào sâu rộng ở mọi vùng quê. Với chị Đoàn Thị Hiên - một nông dân, một hội viên phụ nữ ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ chính là cần cù, lao động, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Đoàn Thị Hiên cho thu nhập cao.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Đoàn Thị Hiên cho thu nhập cao.

Kể từ khi việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai, chị Hiên cũng như nhiều hội viên phụ nữ đã xác định, học theo Bác Hồ là trách nhiệm, là bổn phận của mỗi người dân đất Việt, thông qua việc học tập, mọi người tiến bộ hơn, ý thức trách nhiệm cao hơn đối với bản thân, gia đình và quê hương, đất nước; tự lựa chọn phần việc để học theo Bác từ cách nghĩ, cách làm, từ những việc nhỏ trong cuộc sống thường nhật sẽ giúp mình thêm tiến bộ. 

Chị Hiên tâm sự: "Bản thân là hội viên phụ nữ, tôi luôn luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua, cùng các nhiệm vụ trọng tâm của Hội; vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ, bà con lối xóm chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy ước, hương ước của làng văn hóa cũng như Điều lệ, quy chế của Hội đề ra; đặc biệt là tích cực thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, lồng gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” mà Hội Phụ nữ phát động.

Với tiêu chí "không đói nghèo”, những năm qua, sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi” trong tổ chức Hội để giúp hội viên trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, chị đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, tích cực tham gia học tập các nghị quyết của Đảng, hăng hái hưởng ứng, tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với cơ cấu vùng miền của xã. 

Để khai thác tiềm năng thế mạnh của thôn, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha chè kém chất lượng, tận dụng 4 sào đất soi bãi để trồng cây ăn quả. Đó là những giống cây ăn quả có múi, chất lượng cao như: cam sành, cam Đường canh, chanh tứ thời, bưởi Diễn. 

Bắt đầu từ năm 2010, gia đình chị trồng 100 cây cam. Thấy phát triển tốt phù hợp với miền đất quê hương, gia đình chị tiếp tục mở rộng diện tích qua từng năm để đến năm 2018 diện tích cây ăn quả của gia đình chị đã lên đến trên 7 ha, cho thu hoạch mỗi năm trung bình đạt từ 500 đến 700 triệu đồng mỗi năm.

Để có nguồn giống đưa vào sản xuất cũng như cung cấp cho bà con trong vùng, gia đình chị tự học tập và áp dụng phương pháp chiết cành, ghép cây. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình cung ứng được hàng vạn cây giống chất lượng cho bà con, đưa nguồn thu nhập của gia đình lên trên 1 tỷ đồng mỗi năm, có đủ tích lũy xây được nhà lớn và mua sắm nhiều tài sản có giá trị. 

Đáng quý hơn, nhờ mô hình cũng như sự giúp đỡ của chị Hiên, trên 100 gia đình hội viên hội phụ nữ trong tổ sản xuất đã có kiến thức, có việc làm và thu nhập, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. 

Ngoài việc tham gia làm kinh tế tại gia đình, chị Hiên còn tích cực động viên chị em phụ nữ trong Chi hội tham gia xây dựng phong trào Hội, vận động hội viên tích cực thực hiện Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” theo 4 tiêu chuẩn "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần xây dựng Chi hội Yên Bình nhiều năm liền đạt danh hiệu vững mạnh, được Hội Phụ nữ xã tặng thưởng; cá nhân chị Hiên 5 năm liền đều đạt danh hiệu "Hội viên xuất sắc”, được Hội các cấp khen thưởng nhiều lần.

Tới thăm gia đình chị Đoàn Thị Hiên vào một ngày đầu thu, khi cam, bưởi đang chuyển sắc vàng chín mọng, chanh tứ thời trong vườn tỏa hương thơm dịu; trong phòng khách nhà chị treo trang trọng tấm Bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái về thành tích thực hiện Chỉ thị số 05.

Lê Phiên