Yên Bái với khát vọng mở đường, xây cầu - Bài cuối: Tiếp tục khâu đột phá chiến lược

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2020 | 7:49:42 AM

YênBái - Những kết quả đạt được trong phát triển mạng lưới giao thông là hết sức to lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng sự phát triển, giao thông Yên Bái cần có những bước “nhảy vọt” mới.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đắp lề đường giao thông về bản Tà Chử. (Ảnh: Thanh Sơn)
Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đắp lề đường giao thông về bản Tà Chử. (Ảnh: Thanh Sơn)


Trong những giải pháp để đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc thì giao thông vẫn phải tiếp tục là khâu đột phá. Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ: "Tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có tính đột phá kết nối các vùng trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo được động lực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại, giảm chi phí, thời gian đi lại, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, nâng cao đời sống nhân dân. Từng bước đầu tư, phát huy và nâng cao hiệu quả các loại hình giao thông đường sắt, đường thủy, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. 

Để cụ thể hóa Nghị quyết, theo ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT): "Nhiệm vụ được đặt ra trong nhiệm kỳ mới của ngành là tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh; trong đó, ưu tiên các dự án kết nối quốc lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các dự án liên kết vùng của tỉnh và của tỉnh với các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc”. 



Hệ thống đường giao thông nông thôn trong tỉnh được cứng hóa. 

Cụ thể, đó là tuyến đường nối đường tỉnh 170 (Yên Thế - Vĩnh Kiên) với quốc lộ 70 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Gia Hội - Phong Dụ Thượng - nút giao IC15 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai); đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, đường Đại Lịch - Minh An; đường Sơn Thịnh - Văn Chấn đi Trạm Tấu... 

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ 32C, 32A, 37, 70, 2D; tuyến nối cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) - IC14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tỉnh Yên Bái); triển khai các dự án đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhất trí ưu tiên như tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (Khánh Hòa - Văn Yên); dự án đường Trạm Tấu - Bắc Yên; phấn đấu kiên cố hóa khoảng 3.000 km đường giao thông nông thôn; phấn đấu đến năm 2025, 100% xã vùng cao có đường bê tông đến trung tâm xã; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Yên Bái; công trình cầu Cổ Phúc, huyện Trấn Yên; các dự án giao thông kết nối đường Trạm Tấu - Bắc Yên; Khánh Hòa (Lục Yên) - Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai… 

Khối lượng công việc mà ngành GTVT Yên Bái phải làm và nguồn lực đầu tư trong nhiệm kỳ là vô cùng lớn, để đạt được mục tiêu đề ra, các giải pháp phải đồng bộ và có tính khả thi cao. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Giám đốc Sở GTVT Đỗ Văn Dự cho rằng: "Chúng ta phải tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”. 

Từ ý kiến của đồng chí lãnh đạo ngành giao thông, tôi hiểu, để giao thông phát triển, chúng ta cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đảm bảo kết nối đồng bộ các loại hình giao thông và liên kết vùng. 

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tính khả thi. Là việc tiếp tục coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch. Đồng thời, ưu tiên tập trung vốn cho những công trình giao thông có tính lan tỏa, tính liên kết vùng và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Trong đó, phải tập trung đầu tư dứt điểm từng công trình theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải và chú trọng thu hút nguồn lực xã hội qua hình thức đầu tư đối tác công tư cho các công trình giao thông và khuyến khích các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư các công trình hạ tầng giao thông. 

Để đẩy nhanh chất lượng và tiến độ công trình, ngành giao thông phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các dự án nhằm tránh gây thất thoát ngân sách và ảnh hưởng chất lượng công trình và tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư trong nước, quốc tế đến đầu tư tại tỉnh. 

Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị theo thẩm quyền các chính sách về cơ chế đầu tư, thu hút đầu tư đảm bảo tính bền vững, công khai, minh bạch; nghiên cứu, kiến nghị Trung ương về cơ chế chính sách đặc thù, nhất là cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho tỉnh chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và chủ động phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp... 

Từ khát vọng mở đường, xây cầu mà bộ mặt nông thôn Yên Bái từ vùng thấp đến vùng cao hôm nay đã "thay da đổi thịt” theo hướng hiện đại, giàu đẹp. Nhưng để đưa Yên Bái phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, mạch máu giao thông cần tiếp tục được đầu tư. Với thành quả đạt được trong suốt những năm qua từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ngành; từ những chủ trương, giải pháp đúng đắn, đồng bộ, quyết tâm cao của tỉnh cũng như nhân dân các dân tộc, chắc chắn những tuyến đường, cây cầu mới của Yên Bái sẽ tiếp tục vươn xa.

Đình Tứ