Yên Bái: Thành tựu từ 3 đột phá

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/9/2020 | 7:52:18 AM

YênBái - Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của Yên Bái phát triển đồng thời, trở thành nền tảng, động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

Một góc tuyến đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Một góc tuyến đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn, thiên tai, dịch bệnh kéo dài… Yên Bái cũng không nằm ngoài khó khăn đó. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng sự tiên phong, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở; sự chung tay, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Yên Bái vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội.

Theo đó, tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm). Quy mô kinh tế tăng nhanh và đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Không chỉ vậy, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%); GRDP bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Tỉnh đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. 

Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực; xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn, gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho 10 sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực như: quế, măng tre Bát độ, sơn tra, lúa đặc sản chất lượng cao, cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm... Cùng đó, xây dựng, phát triển được 94 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có trên 20 sản phẩm đặc sản, hữu cơ đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. 

Trong XDNTM, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ... 

Sau 5 năm, toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết. Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra. Đối với sản xuất công nghiệp, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015. 

Trong phát triển du lịch, tỉnh tập trung phát triển dịch vụ du lịch, hình thành và phát huy 4 vùng du lịch trọng điểm (vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và Nam Trấn Yên; vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên; đặc biệt, vùng du lịch miền Tây đã có những sản phẩm du lịch nổi trội, đặc sắc). 

Từ một địa phương không có tên trong "bản đồ” du lịch Việt Nam thì nay không chỉ có tên, có chỗ đứng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế mà còn có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Tính riêng năm 2019, Yên Bái đã thu hút trên 750.000 lượt khách du lịch trong, ngoài nước, doanh thu đạt trên 500 tỷ đồng. 

Bên cạnh những cách làm hay, những hướng đi phù hợp, tạo nên một nền kinh tế Yên Bái phát triển mạnh mẽ, không thể không nói đến việc tỉnh thực hiện có hiệu quả và xuyên suốt 3 đột phá chiến lược (cải cách thể chế, đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực). Việc xác định đúng, trúng các khâu đột phá chiến lược đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. 

Trong cải cách thể chế, tỉnh đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và thể chế hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước theo đúng phân cấp quản lý và quy trình, quy định, đảm bảo kịp thời, phù hợp với thực tiễn; từ đó, lãnh đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với tăng cường theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, nhất quán và ổn định, đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. 

Tỉnh cũng xây dựng các đề án, chính sách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt, tập trung cho cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu nông - lâm nghiệp gắn với XDNTM, thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển kinh tế - xã hội vùng cao; chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế. 

Cùng đó, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực đầu tư, thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, công tác cán bộ… gắn với tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tổ chức thực hiện, góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế, chính sách; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với nâng cao chế độ công vụ, công chức, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức "chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của thị trường. Tỉnh đã ban hành Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020 với mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 1,5% lao động nông nghiệp. 

Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế và thị trường lao động; tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn giảm mạnh đến năm 2020 còn khoảng 61,9%. Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho gần 10.000 người, tập trung vào các ngành, nghề: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, cơ khí, điện tử, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, chế biến nấm, trồng trọt… Sau đào tạo, có trên 80% lao động sau học nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 - 5,5 triệu đồng/tháng; tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến năm 2020 đạt 60%. 

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông (HTGT), từ năm 2011 đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 3.200 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội và xây dựng các công trình trọng điểm. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tạo bước đột phá quan trọng về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. 

Qua đó, huy động được trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng; trong đó, có 20% là đầu tư cho HTGT. Tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, trong nhiệm kỳ, đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, NTM, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 2 cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh, quốc lộ, đường đô thị, bê tông hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn, 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa… 

Các công trình có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc, nhất là các công trình HTGT huyết mạch, đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra diện mạo mới, khang trang từ thành thị đến nông thôn. 

Yên Bái không ngừng đầu tư mở rộng mạng lưới truyền tải điện đến gần 92% số thôn, bản với trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng thông tin, viễn thông được đầu tư đồng bộ, 100% các xã có trạm BTS cung cấp dịch vụ 3G, 4G; 100% các xã và 80% thôn, bản có cáp quang băng thông rộng cung cấp dịch vụ Internet; 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối Internet tốc độ cao. Hạ tầng phát triển, Yên Bái thực sự là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và chỉ một thời gian ngắn đã thu hút được 18 dự án FDI. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 24 dự án FDI đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 9.188 tỷ đồng. 

Với những định hướng, chiến lược, nhất là việc thực hiện 3 đột phá chiến lược đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; đồng thời, trở thành nền tảng, động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

Ngọc Trúc