Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số nước Đông Nam Á

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/9/2020 | 7:53:04 AM

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 21-9, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 31.208.148 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 964.576 ca tử vong.

Số ca mắc Covid-19 vẫn tăng nhanh tại Philippines.
Số ca mắc Covid-19 vẫn tăng nhanh tại Philippines.

Châu Á - châu Đại dương

Tại khu vực Đông Nam Á, hai nước Indonesia và Philippines vẫn tiếp tục là những điểm nóng của dịch Covid-19, với số ca nhiễm trong ngày lần lượt ở mức 3.989 ca và 3.311 ca.

Dịch bệnh đã lan ra toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Đặc biệt trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận 1.138 ca nhiễm mới, cao nhất trên cả nước. Khu vực thủ đô Manila của Philippines cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất so với các địa phương khác.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Malaysia, nước này có 52 ca nhiễm mới, gồm 12 ca nhập cảnh và 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Malaysia đã lên tới 10.219 ca, trong khi nước này phát hiện ổ dịch mới sau khi truy vết một bệnh nhân di chuyển từ bang Penang tới thành phố Sabah, bang Borneo.

Ngày 20-9, chính phủ Myanmar thông báo chỉ thị yêu cầu người dân ở nhà tại Yangon - thành phố lớn nhất nước này sau khi số ca mới mắc Covid-19 có chiều hướng tăng mạnh. Chỉ thị áp dụng ở Yangon sẽ có hiệu lực từ hôm nay (21-9), yêu cầu toàn bộ người lao động làm việc tại nhà. Các trường học của thành phố cũng đã đóng cửa theo các biện pháp phong tỏa trước đó.

Bộ Y tế Myanmar ngày 20-9 thông báo ghi nhận 671 ca mắc mới Covid-19. Như vậy, tính tới lúc này, Myanmar có 5.541 ca mắc Covid-19, 92 ca tử vong và 1.260 bệnh nhân đã được xuất viện.

Tại Nhật Bản, đến tối 20-9, nước này ghi nhận thêm 480 ca mắc mới, trong đó số ca nhiễm mới tại tâm dịch là thủ đô Tokyo chiếm tới 162 ca. Số ca nhiễm mới hằng ngày tại thủ đô Tokyo đã ở mức trên 100 ca trong 6 ngày liên tiếp.

Australia ngày 20-9 thông báo có thêm 19 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Trong các ca nhiễm mới này, 14 trường hợp tập trung tại Victoria, bang chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19 tại Australia.

Châu Mỹ

Nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thêm thời gian để tham gia Liên minh chia sẻ vắc xin toàn cầu (Covax) sau khi hạn chót thông qua văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý này hết hạn vào ngày 18-9 vừa qua.

Theo Bộ Ngoại giao Peru, nước này đã ký thỏa thuận đúng hạn và sẽ nhận được 12 triệu liều vắc xin qua cơ chế Covax, trong khi Argentina đang đề nghị thêm thời gian để hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Cho đến nay, 92 quốc gia có thu nhập thấp đang tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua cơ chế Covax, hướng tới mục tiêu mua vắc xin ngừa Covid-19 và đảm bảo việc tiêm phòng được triển khai một cách công bằng, hiệu quả.

Tại Mỹ, các giáo viên nhiều trường công lập của thành phố New York đã tổ chức biểu tình phản đối việc bắt đầu các lớp học trực tiếp, dự kiến diễn ra trong vài tuần tới. Các giáo viên lo ngại, việc dạy và học trực tiếp sẽ làm lây lan dịch Covid-19, gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân họ, học sinh và những người liên quan. Hiện các trường học tại bang New York chưa được trang bị đủ các hệ thống thông gió hiệu quả cũng như những thiết bị để bảo đảm an toàn khác cho giáo viên và học sinh.

Gần đây, nhiều bằng chứng cho thấy, dịch Covid-19 dường như không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ở trẻ em như đối với người lớn. Điều này đã thúc đẩy việc mở lại trường học với các lớp học trực tiếp. Tuy nhiên, thống kê mới của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Bệnh viện nhi cảnh báo, việc mở lại trường học mà không có các biện pháp phòng dịch thích hợp có thể đẩy nhanh sự lây lan của Covid-19.

(Theo HNMO)