Bước chuyển của vùng cao Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/9/2020 | 1:51:23 PM

YênBái - Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái của Yên Bái; là vùng có tiềm năng lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, nước, khoáng sản.

Mô hình nuôi dê sinh sản của người dân xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải.
Mô hình nuôi dê sinh sản của người dân xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải.

Tỉnh luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, quan trọng trong hệ thống chính trị. Từ đó, đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc theo tinh thần "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”. 

Từ quan điểm này, với sự tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước và của tỉnh, kinh tế vùng cao Yên Bái đã có sự tăng trưởng đáng kể, khởi sắc từng ngày, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và sự phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc trong tỉnh.

Các chương trình, chính sách ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, đi vào cuộc sống người dân đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và đồng bào DTTS, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng dần qua từng năm, tạo kỳ tích trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Sức bật "tam nông” cùng với đó là cuộc "cách mạng” về thay đổi tư duy ở vùng cao Yên Bái, với việc kiên trì vận động đồng bào thay đổi tập quán canh tác ruộng nước, chuyển đổi cơ cấu giống; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích ruộng bậc thang, phát triển kinh tế rừng từ trồng cây sơn tra, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; khai thác các sản phẩm có lợi thế, giá trị kinh tế cao là đặc sản vùng, miền, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… đã mở hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng DTTS Yên Bái.

Nhận thức của đồng bào DTTS về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế đã thay đổi rõ nét, cơ bản không còn tình trạng du canh, du cư, chặt phá rừng làm nương rẫy, tái trồng cây thuốc phiện... 

Địa bàn vùng cao, vùng DTTS Yên Bái ngày càng xuất hiện nhiều hơn những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đồng bào DTTS, điển hình như mô hình chế biến gỗ rừng trồng, trồng tre măng Bát độ của nông dân người Dao Triệu Phú Tiên xã Kiên Thành (Trấn Yên) cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương; mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi đại gia súc của nông dân người Mông Thào A Tủa, thôn Suối Giao, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động, hỗ trợ giúp đỡ 3 - 5 hộ nghèo về vốn phát triển sản xuất; hay như mô hình chăn nuôi gà đen giống địa phương của nông dân Sùng A Tính, bản Làng Sang, xã Nậm khắt (Mù Cang Chải) với thu nhập 210 triệu đồng/ năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động, hỗ trợ giúp đỡ 6 hộ nghèo thoát nghèo; tư vấn cho trên 100 lượt hội viên trong xã về kỹ thuật chăn nuôi gà hiệu quả...

Thực tế, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS phát huy hiệu quả, chất lượng cuộc sống của đồng bào ngày một nâng lên, khẳng định niềm tin sắt son của đồng bào vùng cao đối với Đảng, Chính phủ. 

5 năm qua, tỉnh ưu tiên bố trí hơn 6.000 tỷ đồng đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào DTTS, tập trung hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, trạm y tế, nước hợp vệ sinh… 

Đến nay, 100% số xã vùng cao có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã có trạm xá và điểm phục vụ bưu chính, gần 90% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 70% phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. 



Mùa nếp Tan Tú Lệ. (Ảnh: Thanh Miền) 

Toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô trên 80 lớp, gần 3.000 học sinh; 50 trường phổ thông dân tộc bán trú, 55 trường có học sinh bán trú với tổng số 22.000 học sinh DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh tiếp tục có bước đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đã khắc phục một bước tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; phong tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, bản sắc văn hóa được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Toàn tỉnh có 13 xã và 196 thôn, bản ĐBKK đạt tiêu chí nông thôn mới.

Quan tâm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi, tỉnh Yên Bái xác định việc cần làm ngay là ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trên quan điểm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên, cảnh quan, khí hậu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng cao so với vùng thấp, các địa phương chú trọng hoàn thành quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, di dời, bố trí 100% số hộ đang cư trú tại các vùng xung yếu, có nguy cơ rủi ro cao do tác động của biến đổi khí hậu đến nơi an toàn. 

Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên hệ thống giao thông kết nối từ trục chính tới xã, thôn bản, cơ sở vật chất các trường học…, phấn đấu đến năm 2025, 100% xã vùng cao có đường bê tông đến trung tâm xã; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng bảo đảm chuẩn hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp… 

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giai đoạn 2020 - 2025 giảm trên 5%/năm; đến năm 2025 huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo; ít nhất 40 xã ĐBKK đạt tiêu chí nông thôn mới… mục tiêu từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống và sự phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc trong tỉnh.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, hai huyện nghèo 30a của tỉnh là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo giảm 33,3%, bình quân mỗi năm giảm 8,32%, giảm từ 75,12% đầu năm 2016 xuống còn 41,82% vào cuối năm 2019, đạt 138% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 2,08 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước; phấn đấu còn 35,32% vào cuối năm 2020. Tại các xã ĐBKK, tỷ lệ hộ nghèo giảm 34,84%, bình quân mỗi năm giảm 6,97%, giảm từ 60,76% đầu năm 2016 xuống còn 25,92%  vào cuối năm 2019, giảm gấp 1,74 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Đối với hộ nghèo DTTS, tỷ lệ hộ nghèo giảm 30,82%, bình quân mỗi năm giảm 6,16%, giảm từ 50,41% đầu năm 2016 xuống còn 19,57% vào cuối năm 2019, giảm gấp 2,05 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 2/81 xã ĐBKK và 47/177 thôn, bản ĐBKK được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.

Minh Thúy