Yên Bái đổi mới “tam nông”

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2020 | 7:52:49 AM

YênBái - Cái được rõ nét nhất trong “tam nông” chính là đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Nông dân Yên Bái cơ giới hóa trong sản xuất.
Nông dân Yên Bái cơ giới hóa trong sản xuất.

Tất cả được khởi điểm và xuất phát từ việc Yên Bái thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực và tích hợp chính sách của Trung ương để ban hành bộ cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững ở vùng cao và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực gắn với XDNTM ở vùng thấp. 

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập khá cao.

Là một tỉnh miền núi, đất đai không quá màu mỡ, phì nhiêu, trình độ dân trí không đồng đều nhưng nông dân Yên Bái không chỉ sản xuất đủ ăn mà còn nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác một cách kỳ diệu. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt bình quân đạt trên 75 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng/ha so với năm 2015; trong đó, trên 20.000 ha sản phẩm chủ lực đạt từ 250-300 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt trên 200 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2015. 

Không chỉ mở rộng quy mô mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông - lâm nghiệp. Vùng lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha (chè Shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha), dâu tằm gần 1.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, vùng nuôi thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá; chú trọng phát triển sản phẩm nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; xây dựng, phát triển được 94 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có trên 20 sản phẩm đặc sản, hữu cơ đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao... 

Trên cơ sở, tiềm năng thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, Yên Bái cũng đã xác định được một số loài cây trồng để phát triển hình thành vùng sản xuất hàng hóa lâm nghiệp tập trung. Vùng quế tổng diện tích đạt trên 78.000 ha; vùng tre măng Bát độ có tổng diện tích 6.600 ha; vùng trồng cây sơn tra trên 10.000 ha. Đặc biệt, tỉnh phát triển khá mạnh sản phẩm đặc sản, hữu cơ như: sơn tra, quế tại các vùng trọng điểm của tỉnh gồm các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, với diện tích 40.000 ha. 

Bên cạnh đó, Yên Bái đã thực hiện rất thành công trong việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.106,97 km mặt đường bê tông xi măng; mở mới 196,07 km đường đất; xây dựng 1.483 công trình thoát nước với tổng kinh phí thực hiện trên 1.545,60 tỷ đồng. Về thủy lợi, xây mới và nâng cấp, sửa chữa 440 danh mục công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư là 431,45 tỷ đồng và 85% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia; 121 xã được quy hoạch có chợ. 

Nông nghiệp phát triển cũng đồng nghĩa với nông thôn đổi mới, cuộc sống người dân ngày một khá giả hơn, giàu có hơn và có thêm nhiều vùng quê đáng sống hơn. Do vậy, Yên Bái xác định phải gắn chặt chương trình XDNTM với thực hiện tái cơ cấu và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. 

Nhờ vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc; với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân. 

Trong 5 năm, Yên Bái đã huy động trên 24.600 tỷ đồng để XDNTM; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 32%. 



Cơ sở vật chất nông thôn ngày một khang trang, đời sống người dân nâng lên rõ rệt. 

Vui hơn, phấn khởi hơn người dân đã hiểu được XDNTM là của dân, do dân, vì dân và dân hưởng thụ. Do đó, có bước chuyển căn bản về đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. 

Nhờ tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng NTM. Từ đó, diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy. 

Sau 5 năm, toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết, thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015. 

Phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo, Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM bền vững. Dựa trên những lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, thế mạnh của từng vùng, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch nông thôn; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; đẩy mạnh liên kết ngang giữa nông dân trong hợp tác xã, doanh nghiệp.

Lấy doanh nghiệp và hợp tác xã dẫn dắt, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các hộ dân, tổ hợp tác trong chuỗi giá trị; đẩy mạnh liên kết vùng trong tỉnh, các tỉnh trong vùng và cả nước; chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và chăn nuôi; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt trên 4,5%/năm; giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác nông nghiệp tập trung tăng lên 150 triệu đồng/ha.
Ngọc Trúc