Yên Bái phát triển mạnh kinh tế rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2020 | 6:26:51 PM

YênBái - Yên Bái là tỉnh trong tốp đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế về lâm nghiệp với gần 689 nghìn ha đất tự nhiên, đất quy hoạch lâm nghiệp chiếm 69%. Phát huy thế mạnh, nhiệm kỳ qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp; phấn đấu sớm trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc, mang lại nguồn thu nhập cao cho người làm rừng, góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Huyện Yên Bình hiện có trên 29 nghìn ha rừng trồng, chủ yếu là keo, bồ đề, quế, tập trung nhiều ở các xã ven quốc lộ 70 như: Đại Đồng, Tân Nguyên, Tân Hương, Bảo Ái... và trên đảo hồ Thác Bà. Hàng năm, người dân khai thác và chế biến trên 110 nghìn mét khối gỗ rừng trồng, thu về hàng trăm tỷ đồng. 



Rừng trên đảo hồ Thác Bà. 

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh nghề rừng, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC; kết nối với Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại thuộc tổ chức Nông lương Liên hợp quốc thông qua Hội Nông dân nhằm nâng cao kiến thức sản xuất, chế biến, liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm gỗ rừng trồng cho nông dân. 



Người dân có thu nhập ngày càng cao từ rừng.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 4,5%/năm, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp. Đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao  có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Vùng quế gần 78.000 ha, vùng tre măng Bát Độ trên 6.600 ha, vùng sơn tra gần 10.000 ha... 

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện tốt. Hằng năm, toàn tỉnh trồng trên 15.000 ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 62% năm 2015, lên 63% năm 2020, xếp thứ tư cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Nhờ thu nhập từ rừng mà đời sống người dân ngày càng đổi thay.

Thời gian qua, triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, diện tích rừng sản xuất đã tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, triển khai có hiệu quả các dự án trồng rừng, các thành phần kinh tế được khuyến khích trồng và phát triển rừng. 

Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt trên 500 nghìn mét khối. Toàn tỉnh sẽ có trên 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, là cơ sở để Yên Bái hướng đến trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng quy mô lớn với công nghệ hiện đại; phấn đấu đạt 100 nghìn ha rừng trồng trở lên được cấp chứng chỉ FSC; bình quân hằng năm trồng trên 12 nghìn ha rừng. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Những kết quả của việc phát triển kinh tế rừng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ là tiền đề để nhiệm kỳ 2020 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu quy hoạch lại, tập trung phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất giống phục vụ mục tiêu trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh; thu hút doanh nghiệp có thế mạnh đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững…; hình thành các khu, cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chế biến lâm sản, thu hút đầu tư chế biến công nghệ cao, phát triển sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Minh Huyền - Mạnh Cường