Cho du lịch Yên Bái "cất cánh" - Bài 2: Phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/9/2020 | 2:00:56 PM

YênBái - Yên Bái đã xây dựng, hình thành và phát triển 4 vùng du lịch với quan điểm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử địa phương và bảo vệ môi trường. Nhiều giải pháp được đưa ra để định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái, hướng tới phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bản sắc và hấp dẫn.


Để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách phát triển du lịch và xây dựng hình thành 4 vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy, vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận, vùng du lịch miền Tây của tỉnh và vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên. 



Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong những điểm nhấn trong phát triển vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy.



Du khách nước ngoài hào hứng trải nghiệm các nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sông Chảy.

Việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khác biệt, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện môi trường, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng trong và ngoài nước của tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây cũng có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã quan tâm thu hút mời gọi nhiều tên tuổi lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Tập đoàn Alphanam, Tập đoàn TH True Milk, Công ty cổ phần phát triển xanh Thịnh Đạt… Đến tháng 10/2019, tỉnh đã thu hút và cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. 

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy cho du lịch Yên Bái, tỉnh tăng cường hợp tác liên vùng, trong và ngoài nước như: Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Hợp tác với tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp); chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh tới du khách. 



Du khách tham quan tìm hiểu nhạc cụ khèn Mông của đồng bào Mông tại sự kiện "Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái” tại thủ đô Hà Nội.

Từ những cách làm hiệu quả, du lịch Yên Bái đã đánh dấu bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng du khách cùng như doanh thu từ các hoạt động du lịch. và chất lượng. Năm 2019, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh đạt 750.000 lượt người, bình quân tăng 20%/năm, gấp gần 5 lần giai đoạn trước; doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2019 đạt 480 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015.



Năm 2019, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh đạt 750.000 lượt người, bình quân tăng 20%/năm, gấp gần 5 lần giai đoạn trước.



Festival dù lượn đã trở thành "thương hiệu" của Mù Cang Chải trong những năm gần đây.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ việc quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển du lịch toàn diện, bền vững, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh với những giải pháp đồng bộ, cụ thể. 

Xác định mục tiêu ưu tiên phát triển môi trường du lịch văn minh, thân thiện và chuyên nghiệp bằng những bước đi cụ thể, căn cơ, bài bản, Yên Bái đã, đang từng bước xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch địa phương, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc", từng bước đưa ngành "công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc như Dự thảo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra. 

Thanh Chi - Mạnh Cường