Yên Bái với dấu ấn hạ tầng giao thông – Bài 1: Giao thông nông thôn – những con đường “ý Đảng - lòng dân”

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2020 | 7:34:42 AM

YênBái - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn (GTNT). Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hoá được hàng nghìn km đường giao thông liên xã, liên thôn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đóng góp vào thành tựu xây dựng nông thôn mới.

Những năm trước đây, đặc biệt đường đi lại đến các thôn bản vùng đặc biệt khó khăn ở các xã như: Nà Hẩu, Lang Thíp, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ... của huyện Văn Yên gặp rất nhiều trở ngại. Từ khi có những con đường "đặc thù" đã giúp nối gần khoảng cách, tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại, giao thương hàng hoá thuận lợi hơn rất nhiều.



Nổi bật trong phong trào làm đường giao thông nông thôn ở huyện Văn Yên là sự ra đời các con đường đặc thù. 

Con đường đặc thù là điểm nổi bật trong phong trào làm đường GTNT ở huyện Văn Yên. Gọi là "đặc thù" bởi những con đường này chỉ có ở các thôn, bản vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên. Trên nền đường chỉ đổ lớp bê tông bề rộng 1m, dày 12 cm nên đường đặc thù tiết kiệm được gần 70% chi phí đầu tư, thời gian thi công nhanh, diện bao phủ lớn nên số thôn, bản, người dân được hưởng lợi cũng vì thế mà nhiều hơn. Những con đường này đang mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho vùng cao Văn Yên.


"Đường đặc thù” giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa huyện Văn Yên đi lại thuận tiện hơn.

Thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020, huyện Văn Yên đã tập trung đẩy mạnh thu hút và lồng ghép các nguồn vốn để mở mới, mở rộng và kiên cố hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn. Từ chủ trương đúng hướng, cách làm linh hoạt, hiệu quả, việc triển khai thực hiện Đề án GTNT trên địa bàn huyện được người dân đồng tình ủng hộ, trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp các xã, thị trấn. 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, huyện Văn Yên đã kiên cố hóa được trên 259 km đường giao thông nông thôn, 75,7 km đường giao thông đặc thù; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt 48,3%; mở mới, mở rộng 40,55 km đường đất; xây dựng 271 cống các loại, 13 cầu, 8 ngầm tràn; sửa chữa 10 cầu treo, 1 cầu cứng…



 Huyện Yên Bình cùng với dân những sáng kiến huy động sự chung tay của doanh nghiệp đã nối dài những con đường "ý Đảng - lòng dân”.

Xác định phát triển hạ tầng GTNT là "đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện "đi trước” trong xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Yên Bình đặc biệt quan tâm đến huy động sức dân mở đường. Cùng với dân, những sáng kiến huy động sự chung tay của doanh nghiệp đã nối dài những con đường "ý Đảng - lòng dân” 

Giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện Yên Bình đã cứng hóa 316 km đường GTNT, đạt 300% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Tổng mức đầu tư cho GTNT trên 438 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh là 296,8 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 44 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 56 tỷ đồng, còn lại là huy động các nguồn vốn khác. 



Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động trên 1.841 tỷ đồng cho phát triển GTNT

Thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động trên 1.841 tỷ đồng cho phát triển GTNT; trong đó, vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ 1.295 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp huyện 256,04 tỷ đồng; vốn huy động sự đóng góp của nhân dân và của các tổ chức trên 290  tỷ đồng.

Từ nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã kiên cố hóa trên toàn tỉnh được trên 1.426 km mặt đường bê tông xi măng; mở mới, mở rộng 208,36 km đường đất và xây dựng 1.621 công trình thoát nước… theo Đề án phát triển GTNT. 

Đức Toàn – Hoài Văn
Bài 2: Phát triển giao thông kết nối liên vùng