Yên Bái: Ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/10/2020 | 8:05:43 AM

YênBái - Vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay có thể được xác định thành 3 nhóm nguy cơ đe dọa chính.

Lực lượng công an luôn chủ động ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Ảnh: Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái phối hợp với lực lượng y tế tham gia tuyên truyền kiểm soát dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Thanh Chi)
Lực lượng công an luôn chủ động ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Ảnh: Công an phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái phối hợp với lực lượng y tế tham gia tuyên truyền kiểm soát dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Thanh Chi)

Thượng tá Chu Văn Hải – Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh cho biết: "Vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay có thể được xác định thành 3 nhóm nguy cơ đe dọa chính, gồm: các nguy cơ đe dọa nảy sinh từ vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai, lao động và việc làm; "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức, văn hóa xã hội; tệ nạn tham nhũng và các mối đe dọa an ninh tài chính, tiền tệ. 

Các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống nảy sinh do tác động từ bên ngoài và hoạt động của tội phạm, gồm xung đột, tranh chấp ở biển Đông; khủng bố và hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; nguy cơ đe dọa an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. 

Các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống nảy sinh từ tác động của tự nhiên và an ninh năng lượng, gồm: biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, dịch bệnh, thiên tai, các nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng. 

Đối với tỉnh Yên Bái, những thách thức an ninh phi truyền thống có một số vấn đề như: ứng phó với thiên tai, dịch bệnh (một trong những biểu hiện rõ nét nhất trong thời gian gần đây chính là dịch Covid-19); vấn đề an ninh môi trường; an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao và vấn đề nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống hiện nay”.

Những năm qua, công tác ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ở tỉnh ta đã luôn được cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện, xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương châm: chủ động, tích cực bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh "từ sớm”, "từ xa”, đề cao cảnh giác, động viên sự tham gia tích cực, hiệu quả của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân. 

Trước những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ, thách thức mới liên quan đến các vấn đề an ninh phi truyền thống, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân thấy được những vấn đề về an ninh phi truyền thống nói riêng và chính sách, pháp luật nói chung. Các vấn đề an ninh phi truyền thống đã thực sự diễn ra chứ không còn là tiềm ẩn, là nguy cơ nữa. 

Vì thế, cấp ủy, chính quyền cần đặt vấn đề tăng cường công tác phòng, chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong các chương trình, kế hoạch, nội dung công tác một cách thường xuyên và liên tục; chủ trương kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng và an ninh phải được thấm nhuần và thể hiện ngay từ việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, hoạch định từng mục tiêu phát triển, trong huy động nguồn lực, lựa chọn và thực hiện các đề án, dự án…

 Với vai trò là nòng cốt trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, lực lượng công an các cấp phải tăng cường công tác nắm tình hình, đánh giá, dự báo kịp thời các tác động xấu của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực; chủ động loại bỏ các yếu tố từ bên trong như: tội phạm, tệ nạn xã hội, môi trường ô nhiễm, thất nghiệp, suy thoái đạo đức lối sống, bất cập trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách…

Lực lượng công an phải phát huy trách nhiệm, làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền trong công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung và lãnh đạo có hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội nhằm hạn chế các mối đe dọa an ninh phi truyền thống nói riêng; tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm và đấu tranh, phòng ngừa với tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực; tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng; đảm bảo an ninh môi trường và ứng phó với các tình huống về thiên tai, dịch bệnh. 

Đồng thời, đưa công tác đảm bảo an ninh phi truyền thống vào nội dung của Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền của từng tổ chức và mỗi người dân.
Lê Phiên