Nghĩa Lộ phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/10/2020 | 7:53:56 AM

YênBái - Những năm gần đây, phát triển du lịch ở thị xã Nghĩa Lộ đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, du lịch cộng đồng đang là một xu hướng trải nghiệm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Học sinh Trường THCS xã Phù Nham tìm hiểu văn hóa truyền thống.
Học sinh Trường THCS xã Phù Nham tìm hiểu văn hóa truyền thống.

Nghĩa Lộ là một vùng đất có nhiều tài nguyên du lịch, nổi bật là các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Nơi đây được coi là vùng đất tổ của tộc người Thái đen, những sự tích về suối Thia, hoa ban và nhiều những lễ hội dân gian... 

Đặc biệt, Nghĩa Lộ còn được biết đến là nơi có những di sản văn hóa vô giá như: Xòe Thái, Hội Hạn khuống đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Căng và Đồn Nghĩa Lộ, đền Cầm Hánh... Những bề dày văn hóa đã tạo cơ sở để du lịch Nghĩa Lộ mang nét đặc trưng riêng. 

Chị Phạm Thị Vân Anh ở thành phố Lào Cai cho biết: "Gia đình tôi đã đi du lịch ở nhiều nơi nhưng khi đến với vùng đất hoa ban tôi có cảm nhận rất riêng, con người thân thiện, môi trường trong lành. Đến đây, các con tôi được tìm hiểu về lịch sử. Đặc biệt, gia đình tôi rất thích các điệu xòe Thái, hoạt động trải nghiệm tại homestay và thưởng thức các món ăn tuyền thống. Nghĩa Lộ thật tuyệt vời!”.

Hiện nay, du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ đang trở thành một thương hiệu riêng, nổi bật trong các sản phẩm du lịch của tỉnh Yên Bái với nhiều loại hình: trải nghiệm văn hóa của đồng bào các dân tộc; trải nghiệm đời sống lao động thường ngày; trải nghiệm các hoạt động lễ hội, trò chơi dân gian; trải nghiệm nghề thủ công; trải nghiệm chế biến ẩm thực đặc trưng... Du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. 

Ban đầu, du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ đơn thuần là tự phát. Đến nay, mô hình này được thị xã đặc biệt quan tâm, định hướng để không chỉ tạo nên thương hiệu, tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó, đặc sắc nhất là văn hóa của dân tộc Thái. Đến nay, trên địa bàn thị xã có gần 20 hộ làm homestay hiệu quả. 

Không chỉ có vậy, Mường Lò còn nổi tiếng  với các mặt hàng thổ cẩm: vải thổ cẩm, váy, áo, đồ trang sức dân tộc Thái, nổi bật bởi cách trang trí đậm chất dân tộc. 

Chị Lù Thị Pầng - chủ cửa hàng thổ cẩm Pầng Loan chia sẻ: "Hơn chục năm gắn bó với thổ cẩm, tìm hiểu về trang phục truyền thống, tôi học hỏi nhiều từ những nghệ nhân giỏi và luôn đặt ra yêu cầu khắt khe đối với từng mặt hàng”. Vì vậy, hàng của cửa hàng chị luôn đảm bảo đúng bản sắc, bền, đẹp. 

Đến nay, sản phẩm của cửa hàng chị đã có mặt nhiều thị trường trong khu vực như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu và tỉnh Thái Bình. Gia đình chị có 2 gian trưng bày hàng thổ cẩm giúp tăng thêm thu nhập, tạo việc làm ổn định cho trên 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Những năm qua, đặc biệt khi thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020, thị xã Nghĩa Lộ quan tâm đến việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch cộng đồng, đặc biệt là mô hình homestay. 

Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã cho biết: "Thời gian tới, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, chúng tôi đã hướng dẫn việc thực hiện các cơ chế, chế chính sách phù hợp để hỗ trợ các hộ và cộng đồng dân cư có hoạt động du lịch. Thị xã đã quy hoạch xây dựng 2 bản văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng đó là bản Đêu, xã Nghĩa An và bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi. 

"Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường đầu tư khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ” - ông Tuấn nói.

Trần Minh