Yên Bái tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/10/2020 | 7:54:09 AM

YênBái - Trong 5 năm trở lại đây, tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nội ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản đã tăng từ 21,71% năm 2015 lên 26,24% năm 2020. Năm 2015, giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh 2010) mới đạt 1.223 tỷ đồng thì năm 2020 ước đạt 1.950 tỷ đồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%.

Các sản phẩm quế là mặt hàng thế mạnh kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.
Các sản phẩm quế là mặt hàng thế mạnh kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.

Hàng chục năm qua, mỗi năm tỉnh khai thác và trồng lại trên 15.000 ha rừng. Cơ cấu giống cây cũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ những cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những cây đa tác dụng có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Tỉnh đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, chất lượng cây giống ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 35.634 ha rừng đặc dụng; 138.414 ha rừng phòng hộ và 288.240 ha rừng sản xuất. 

Nhờ có sự đầu tư, chăm sóc tốt, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên năng suất tăng bình quân từ 4 - 5 m khối/ha; sản lượng khai thác gỗ hàng năm đạt từ 519.861 m khối trở lên; sản lượng củi khai thác đạt trên 1 triệu m khối; khai thác tre, vầu, nứa đạt 82.068 tấn; sản lượng vỏ quế khô đạt 19.237 tấn, 349 tấn nhựa thông, trên 300 tấn tinh dầu quế. 

Đặc biệt, thời gian gần đây, tỉnh đã tiến hành xây dựng và phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững (FSC) để nâng cao giá trị gỗ khi xuất khẩu ra nước ngoài. Theo đó, hết năm 2019, tỉnh đã có 4.037,5 ha rừng trồng keo tai tượng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng FSC cho nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Bình (trong đó, có 1.737,5 ha được cấp năm 2016 và 2.300 ha được cấp năm 2019). 

Tập trung đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất, nhất là phát triển theo hướng kinh doanh gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn với mục tiêu đến năm 2030 hình thành vùng rừng trồng gỗ lớn bằng loài cây keo (keo tai tượng và keo lai mô giống mới) với quy mô trên 27.000 ha. 

Để nâng cao chất lượng rừng khoanh nuôi tại huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trồng bổ sung cây sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt để nâng cao giá trị gia tăng của rừng với diện tích là trên 1.700 ha. Đối với các huyện vùng thấp như: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên trồng bổ sung thêm các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao như: trám, lát, giổi, sấu, mỡ, quế… 

Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao tác dụng phòng hộ mà còn tăng giá trị thu nhập kinh tế trên một đơn vị diện tích. Phát huy có hiệu quả giá trị môi trường rừng thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu... Trong 5 năm qua, tỉnh đã chi trả gần 500 tỷ đồng cho các chủ rừng. 

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, tỉnh đã quy hoạch và phát triển hình thành vùng sản xuất hàng hóa lâm nghiệp tập trung. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung, có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng cây lâm nghiệp thông thường như: vùng quế trên 78.000 ha; vùng tre măng Bát độ có tổng diện tích gần 5.000 ha; vùng trồng cây sơn tra trên 9.200 ha, vùng nguyên liệu chế biến gỗ keo, bồ đề, bạch đàn khoảng 95.000 ha… 

Rừng, chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất được nâng lên không chỉ tăng thu nhập cho người trồng rừng mà các cơ sở chế biến phát triển mạnh mẽ. Hiện, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng và đang hình thành các trung tâm chế biến quy mô lớn với công nghệ hiện đại. 

Nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực thông qua việc đầu tư trồng rừng thâm canh bằng các loài cây có năng suất cao, chất lượng sản phẩm gỗ đáp ứng được thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ. Cụ thể, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn; năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chất lượng nhiều loại sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp do quy mô sản xuất nhỏ, thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Tuy đã hình thành được một số chuỗi sản xuất nhưng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm đặc sản như quế, sơn tra...

Để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đa mục tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường; sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng gắn với xây dựng nông thôn mới... 



Nâng cao chất lượng rừng trồng là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm. 

Thiết nghĩ, cần tập trung phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn bằng các loại cây gỗ lớn, lâm đặc sản, quế, sơn tra… gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu dưới tán rừng. 

Cùng đó, tiếp tục có những chính sách đặc thù để đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất giống phục vụ mục tiêu trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. 

Thu hút doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, khoa học và công nghệ đầu tư phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. 

Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ dân và hợp tác xã sản xuất, chế biến lâm sản theo chuỗi giá trị, nhất là sản phẩm từ gỗ rừng trồng, quế, măng tre Bát độ, sơn tra… 

Hình thành các cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chế biến lâm sản, thu hút đầu tư, chế biến công nghệ cao, phát triển thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung phát triển vùng quế hữu cơ gắn với chế biến sâu và tinh các sản phẩm từ quế. 

Đối với vùng tre măng Bát độ, đẩy mạnh xúc tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài các sản phẩm từ măng tre. Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh trên diện tích đất quy hoạch trồng rừng sản xuất bằng các loài cây chủ lực: keo mô, hom, keo tai tượng gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại, bạch đàn, bồ đề. 

Rà soát và sắp xếp lại các cơ sở chế biến vừa và nhỏ trên địa bàn để chủ động trong việc quản lý nguồn nguyên liệu, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế sự lãng phí trong sử dụng tài nguyên rừng. 

Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, mặt bằng, tín dụng… để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng với quy mô lớn, dây chuyền hiện đại, sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Phát huy kết quả đã đạt được và thực hiện đồng bộ các giải pháp, chắc chắn ngành lâm nghiệp của tỉnh sẽ phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đa mục tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường.

Thanh Phúc