Yên Bái không để bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2020 | 2:13:22 PM

YênBái - Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.
Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.


Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã làm gia đình anh Tạ Ngọc Hiền ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu kiệt quệ vốn. Đến tháng 8/2020, gia đình anh mới tiếp tục đầu tư hơn 50 triệu đồng nhập 5 con lợn nái về nuôi với hy vọng sẽ bù đắp được thiệt hại của năm 2019. 

Rút kinh nghiệm đợt dịch trước, anh Hiền đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn: kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc con giống; rắc vôi bột, phun khử trùng định kỳ; chuồng trại khép kín, tránh tiếp xúc với người ngoài. Thậm chí, những ngày đầu tái đàn gia đình anh còn không mua thịt lợn ngoài chợ vì sợ lây bệnh. Thế nhưng, vừa qua 2 con lợn nái của gia đình có biểu hiện ốm với những triệu chứng của DTLCP và đã chết. 

Anh Hiền đã báo cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu lợn bệnh để xét nghiệm. Anh cho biết: "Khi quyết định chăn nuôi trở lại, mình đã vệ sinh chuồng trại rất kỹ, áp dụng mọi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhưng chưa rõ nguyên nhân vì đâu mà lợn lại bị nhiễm bệnh”. 

Cuối tháng 9/2020, gia đình ông Vũ Minh Thắng ở thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo có hơn 10 con lợn cả nái và giống có biểu hiện lâm sàng của bệnh DTLCP. Sau khi phát hiện lợn ốm, ông đã báo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP, ngày 1/10 vừa qua, toàn bộ đàn lợn của gia đình ông bị tiêu hủy. Hiện tại, xã Minh Bảo có gần 170 hộ chăn nuôi với trên 4.700 con lợn nhưng hầu hết các hộ đều chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn thành phố từ ngày 10/9 tại xã Tân Thịnh. Sau đó, dịch lan ra các xã: Minh Bảo, Văn Phú, Âu Lâu, Tuy Lộc và Giới Phiên. Đến nay, trên địa bàn thành phố Yên Bái có 12 hộ chăn nuôi ở 8 thôn xuất hiện lợn ốm, chết; tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy là 80 con, trọng lượng trên 5,4 tấn. 
Ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Bảo cho biết: "Trước tính chất lây lan nhanh của bệnh DTLCP, xã đã chủ động các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan ra diện rộng. Để bảo vệ đàn lợn hiện có, xã tăng cường công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chống dịch hữu hiệu; cử cán bộ thống kê và theo dõi đàn lợn hàng ngày”. 

Theo bà Phạm Minh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái: "Trung tâm đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm của bệnh DTLCP và yêu cầu người dân ký cam kết thực hiện "5 không": không giấu dịch; không mua gia súc bệnh, sản phẩm gia súc bệnh; không bán chạy gia súc bệnh; không thả rông, không tự vận chuyển gia súc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh DTLCP bừa bãi. Đồng thời, chúng tôi đang siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn”. 

Mặc dù từ ngày 7/10 đến nay trên địa bàn thành phố không phát sinh thêm lợn ốm, chết, nhưng người chăn nuôi không nên chủ quan, lơ là vì đây là thời điểm giao mùa các loại dịch bệnh rất dễ bùng phát. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần triển khai các phương án bảo vệ đàn lợn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP và có phương án chăn nuôi an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. 

Nguyễn Hồng