Yên Bái: Hội thảo “Trường học hạnh phúc và dạy học tích hợp giáo dục hướng nghiệp STEM trong trường phổ thông”

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/10/2020 | 3:24:14 PM

YênBái - Ngày 24/10, Trường Trung học phổ thông (THPT) Cảm Ân, huyện Yên Bình phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo “Trường học hạnh phúc và dạy học tích hợp giáo dục hướng nghiệp STEM trong trường phổ thông”.

Các em học sinh Trường THPT Cảm Ân cùng trao đổi, giao lưu với giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại Hội thảo.
Các em học sinh Trường THPT Cảm Ân cùng trao đổi, giao lưu với giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các thầy cô giáo, hơn 600 học sinh Trường THPT Cảm Ân cùng đại diện Hội cha mẹ học sinh nhà trường. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã truyền tải đến các thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Cảm Ân các nội dung: giáo dục STEM tiếp cận công nghệ 4.0 theo định hướng nghề nghiệp; thiết kế hoạt động giáo dục cho học sinh THPT theo định hướng giáo dục STEM. 

Ngoài ra, thầy cô giáo, các em học sinh Trường THPT Cảm Ân cùng trao đổi, giao lưu với giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2  nội dung về khái niệm, quan điểm, mục tiêu, cách thức xây dựng, yếu tố cấu thành để xây dựng trường học hạnh phúc; chia sẻ kinh nghiệm, cụ thể hóa các tiêu chí, định hướng các giải pháp hướng tới trường học hạnh phúc. 

Qua Hội thảo sẽ truyền cảm hứng, tạo niềm tin, có tác động thay đổi tư duy của thầy cô giáo,  các em học sinh và cả phụ huynh để hướng tới những giá trị cốt lõi của hạnh phúc, giúp các em học sinh đến trường cảm nhận được những niềm vui, được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện về mọi mặt.

* STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học).

Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.

GS. TSKH Đỗ Đức Thái, thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán cho biết, khi áp dụng STEM, chúng ta được nhiều thứ.

Thứ nhất, giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.

Thứ hai, giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề  (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.

Thứ ba, giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải  hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.

                                                                     (Nguồn: Trung tâm Truyền thông Bộ Giáo dục _Đào tạo)

Thu Hiền