Thủ tướng đã lắng nghe, các "sao" cũng phải lắng nghe

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2020 | 9:43:31 AM

Cuối tuần qua, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính sửa đổi quy định hiện hành về vận động, phân phối nguồn lực đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn...

Chỉ đạo trên của Thủ tướng đã giải tỏa được bức xúc nhất định trong dư luận vì với thực tế có vướng mắc ít nhiều trong việc vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ cho người dân gặp nạn trong đợt lũ lụt vừa qua thì việc sửa đổi Nghị định 64/NĐ-CP (ban hành năm 2008) là rất cần thiết và kịp thời.

Theo Nghị định 64, có một số tổ chức được phép kêu gọi, phân phối hàng cứu trợ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam và các cấp của 2 cơ quan này ở địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo Nghị định số 148/2007/NĐ-CP được Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc các cấp cho phép cũng được triển khai công việc này.

Nhưng đáng chú ý, trong điều 2 của Nghị định 64 cũng có ghi: "Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân, trong và ngoài nước đóng góp và tổ chức vận động đóng góp" để thực hiện công tác cứu trợ khẩn cấp. Nhưng thực tế điều này lại không được quy định cụ thể, rõ ràng hơn là các tổ chức, cá nhân ngoài việc đóng, góp và vận động đóng góp thì có được sử dụng, phân phối đến người dân hay không.

Cho nên trên thực tế, với những trường hợp các cá nhân là các ca sĩ, người dẫn chương trình, người mẫu... có danh tiếng trong xã hội khi kêu gọi, vận động được những khoản đóng góp rất lớn như ca sĩ Thủy Tiên (trong đợt mưa lũ vừa qua đã vận động đóng góp được trên 150 tỷ đồng), ca sĩ Thái Thùy Linh... thì tính hợp pháp của việc đi phân phối tiền, hàng cứu trợ cho người dân của họ lại được đặt ra rất nóng bỏng.

Chính vì có ít nhiều sự mâu thuẫn, bất cập ấy mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64 tổ chức để vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... bảo đảm hiệu quả, kịp thời.

Việc lãnh đạo Chính phủ lắng nghe, chỉ đạo sửa đổi chính sách cho phù hợp với cuộc sống, hướng về người dân là rất tuyệt vời. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, là từ phía những các cá nhân có danh tiếng trong xã hội như một số ca sĩ, nghệ sĩ vừa qua đi vận động, tổ chức, phân phối tiền, hàng cứu trợ cho người dân cũng phải nhìn lại cách của họ đã và đang làm.

Vận động, tổ chức cứu trợ người dân luôn luôn là việc hướng thiện, đáng quý nhưng với các cá nhân, khi vận động được ở một khoản tiền, hàng  trị giá vài tỷ đồng thì việc đi phân phát cho người dân gặp nạn còn có thể dễ dàng. Nhưng khi số lượng tiền, hàng lớn lên tới hàng chục, thậm chí cả trên 100 tỷ đồng như ca sỹ Thủy Tiên thì lại khác. 

Họ nên có một tổ chức, đơn vị đủ nhân lực, trình độ để giúp quản lý, tổ chức phân phối số tiền, hàng trên làm sao cho hợp lý, khoa học để số tiền, hàng cứu trợ đến được với người dân một cách kịp thời, công bằng. Và đặc biệt là nó cũng phải được giám sát chặt chẽ, được kiểm tra, kiểm toán đầy đủ để tránh nguy cơ bị lãng phí, thất thoát.

Tất nhiên là nếu chỉ có một số tổ chức, cơ quan được kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ thôi thì không đủ, thực tế vẫn có xảy ra tiêu cực, thất thoát. Nhưng điều đó không có nghĩa là các cá nhân hoàn toàn có thể làm tốt hơn. 

Nếu họ không biết cách làm thì hoàn toàn vẫn có thể xảy ra những chuyện không mong muốn khi tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ. Thậm chí, cũng có những cá nhân lợi dụng tình trạng khó khăn của người dân để làm những việc sai trái.

Cho nên, ở đây, chúng ta tuy tôn vinh những tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp, cống hiến lớn cho hoạt động từ thiện, cứu giúp người dân trong hoạn nạn. Nhưng cũng cần bình tĩnh để góp ý, đóng góp xây dựng chính sách để làm sao cơ quan soạn thảo, ban hành chính sách của nhà nước sắp tới tiếp thu, hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực này. 

Tất cả để nhằm khuyến khích hơn nữa các cá nhân, các tổ chức xã hội tham gia theo một mô hình, cách thức hợp lý  để huy động cao nhất nguồn lực của cả xã hội cứu  giúp người dân bị nạn do thiên tai, hỏa hoạn trong thời gian tới.

(Theo chinhphu.vn)