Yên Bái: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2020 | 7:48:16 AM

YênBái - Theo Hội LHPN tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội LHPN đã phối hợp mở trên 100 lớp đào tạo nghề cho trên 3.000 lao động với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp...

Mô hình sản xuất rau an toàn của lao động nữ nông thôn sau khi tham gia học nghề sản xuất rau an toàn do Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh tổ chức.
Mô hình sản xuất rau an toàn của lao động nữ nông thôn sau khi tham gia học nghề sản xuất rau an toàn do Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh tổ chức.

Mặc dù có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, nhưng khi được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã thông báo có lớp đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, do Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh tổ chức, chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn Hiển Dương, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đã đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y. 

Chị Hạnh cho biết: "Kiến thức mới rất cần thiết và bổ ích, bởi nếu chỉ rút kinh nghiệm trong quá trình tự làm không thôi thì chưa đủ. Tham gia lớp học mình được trao đổi lý thuyết kết hợp với thực hành về những nội dung như: thức ăn trong chăn nuôi, về kỹ thuật chăn nuôi lợn, trâu, bò hay gia cầm… Những kiến thức học được đã giúp mình phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, tăng hiệu quả sản xuất”. 

Những năm gần đây ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, người dân trồng nhiều cây thanh long ruột đỏ. Để tạo thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, Hội LHPN xã đã vận động, tuyên truyền, liên kết giữa các hộ trồng thanh long trên địa bàn. 

Tháng 6/2020, Hợp tác xã (HTX) Thanh Long ruột đỏ xã Minh Quân được thành lập với 9 thành viên. 

Chị Đỗ Thị Thu Dung, thành viên HTX cho biết: "HTX Thanh long ruột đỏ xã Minh Quân là nơi các thành viên được trao đổi kinh nghiệm, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống đảm bảo, vay vốn ưu đãi. HTX đã đăng ký được tem truy xuất nguồn gốc và sẽ tiếp tục phát triển thêm hội viên, mở rộng diện tích, cũng như tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định và giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ”. 

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn (LĐNNT) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh, không chỉ để bảo đảm các mục tiêu kinh tế, xã hội trước mắt mà còn bảo đảm các điều kiện để phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan triển khai công tác này.

Theo Hội LHPN tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội LHPN đã phối hợp mở trên 100 lớp đào tạo nghề cho trên 3.000 lao động với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như: may công nghiệp, chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi thú y, nuôi tằm và sơ chế kén tằm... 

Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh đã mở 28 lớp đào tạo nghề cho 840 lao động; cấp huyện phối hợp tổ chức trên 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.199 lao động. Sau học nghề, đa số các chị em đã áp dụng các kiến thức, kỹ năng nghề được học vào mô hình sản xuất của gia đình và cho hiệu quả kinh tế. 

Cụ thể, trên 2.000 người làm đúng nghề được đào tạo, áp dụng nghề vào thực tiễn có hiệu quả và gần 100 người thuộc hộ nghèo sau học nghề đã vươn lên thoát nghèo. Phần lớn các mô hình phát triển kinh tế của chị em tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều chị em còn mở rộng quy mô sản xuất, thành lập mô hình kinh tế tập thể. 

Có thể nói, công tác đào tạo nghề và việc làm cho LĐNNT thời gian qua đã được các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện là đòn bẩy tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNNT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận LĐNNT chưa xác định được nghề để học và làm cũng như không xác định học để có nghề và làm nghề đã học, vì vậy số lượng chị em tham gia chưa nhiều, còn thờ ơ với việc học nghề. Hay có chị em sau khi học nghề còn lúng túng, chưa biết lựa chọn hay áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. 

Đối với những nghề phi nông nghiệp, việc phối hợp tổ chức dạy nghề ở cơ sở còn ít, do đó chưa phát huy được hết khả năng của chị em, cũng như chưa thu hút được nhiều đối tượng, thành phần tham gia. Trình độ, năng lực của LĐNNT còn hạn chế và hoàn cảnh gia đình dẫn đến khả năng học nghề và cơ hội việc làm, phát huy tay nghề chưa cao. 

 Là cơ quan đầu mối, Hội LHPN tỉnh tăng cường tham mưu với tỉnh về các chính sách dạy nghề, học nghề cho LĐNNT; chỉ đạo Hội LHPN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và việc làm cho LĐNNT. 

Cùng với đó, đẩy mạnh việc khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm cho LĐNNT, vận động thu hút LĐNNT tham gia học nghề; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm mới cho LĐNNT.

Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho LĐNNT phù hợp với khả năng, trình độ và đặc thù phát triển kinh tế ở địa phương, tạo cơ hội để chị em phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế của mình trong xã hội.

  Thu Hiền