“Đuốc sáng” nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/10/2020 | 1:55:33 PM

YênBái - Mới 27 tuổi, song Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Hờ A Do đã được tín nhiệm bầu là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Anh đã vận dụng một cách linh hoạt, khéo léo công tác dân vận của Đảng vào xây dựng nông thôn mới. Còn có rất nhiều người như Do...

Lãnh đạo xã Đông Cuông, huyện Văn Yên và Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Lương Văn Thùy thăm con đường vào thôn Gốc Quân.
Lãnh đạo xã Đông Cuông, huyện Văn Yên và Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Lương Văn Thùy thăm con đường vào thôn Gốc Quân.

Tà Cao - một trong những thôn thuộc xã vùng cao đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, giao thông đi lại khó khăn, dân trí thấp với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống còn nặng  về tự cung, tự cấp và tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Là người con sinh ra và gắn bó với mảnh đất này từ tấm bé, nên khi được bà con và các đảng viên trong Chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, anh Hờ A Do đã xác định rõ vai trò của "ngọn đuốc” soi đường. 

Hiểu được "bước cản” lớn nhất kìm hãm sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong thôn chính là từ những tồn tại trong tư duy, nhận thức của người dân, bằng kiến thức, kinh nghiệm có được trong thực tiễn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Hờ A Do đã vận dụng một cách linh hoạt, khéo léo công tác dân vận của Đảng vào XDNTM. 

Mới 27 tuổi, song Bí thư Chi bộ Hờ A Do đã được tín nhiệm bầu là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là điều minh chứng, khẳng định uy tín của anh với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, mà còn là lợi thế để anh phát huy vai trò tại cơ sở, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào XDNTM. 

Hờ A Do tâm sự: "Người vùng cao sống xa nơi đô thị, ít được tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng nên phương thức tuyên truyền miệng là phát huy hiệu quả hơn cả”. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu”, "gần dân, sát cơ sở”, không phải đợi có việc, có tổ chức họp dân bản, anh và các cán bộ chi, hội đoàn thể mới thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về XDNTM, mà ngay cả khi đang làm nương, làm rẫy hay lúc đến chơi nhà nhau, Bí thư Hờ A Do cũng tranh thủ trò chuyện, tâm sự để giúp người dân hiểu những việc cần làm, cần thay đổi. 

Cùng với đó, để giúp người dân có ý thức hơn trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, XDNTM, anh đã bàn bạc cùng cấp ủy, chỉ đạo việc xây dựng quy ước thôn và tổ chức cho bà con ký cam kết thực hiện. 

Những gia đình tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi. Anh Hờ A Do chia sẻ: "Đối với vùng cao, giúp người dân từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; biết thay đổi những thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu, phương thức chăn nuôi, sản xuất không hiệu quả, thực hiện vệ sinh nhà cửa sạch sẽ đã là góp phần XDNTM rồi”. 

Bằng những suy nghĩ mộc mạc, Hờ A Do đã từng bước thuyết phục và giúp người dân trở thành chủ thể trong XDNTM. Từ một thôn yếu kém về mọi mặt, đến nay, Tà Cao đã có nhiều đổi thay rõ nét. Phần lớn người dân đã có ý thức trong việc không sinh con thứ 3 trở lên; không kết hôn cận huyết thống; không để người chết trong nhà trong nhiều ngày; không chăn nuôi gia súc, gia cầm gần nhà; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, 100% các hộ thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán. 

Một số hộ ở Tà Cao đã biết tập trung phát triển kinh tế bằng chăn nuôi gia súc, gia cầm… nên đời sống ngày càng no đủ. Nếu như năm 2015, thôn Tà Cao chỉ có hơn 1 ha cỏ voi và không dự trữ đủ thức ăn chăn nuôi vào mùa đông thì nay thôn đã trồng được hơn 15 ha và bà con còn chú trọng thu gom, bảo quản rơm để phục vụ chăn nuôi, tích cực phòng chống rét cho gia súc vào mùa đông. 

Thôn thành lập được 2 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò và có nhiều hộ đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để làm gương cho các hộ khác, điển hình như gia đình các ông: Vàng A Ninh, Hờ A Khay, Sùng Chơ Vàng. Hiện, cả thôn chỉ còn 3 hộ thiếu đói do không có lao động chính. 

Cuộc sống vùng cao còn muôn vàn khó khăn, nhưng năm 2018, nhân dân thôn Tà Cao đã tự nguyện đóng góp 18 triệu đồng, 120 công để làm đường giao thông nông thôn. Các hộ gia đình: Hờ A Thông, Hờ Vả Dù, Sùng A Gia, Sùng Sìa Dia, Sùng Gà Páo đã tự nguyện hiến đất để giải phóng mặt bằng mở rộng đường. Nhờ đó, con đường vào thôn đã bớt quanh co, hiểm trở, người dân thuận lợi hơn trong việc đưa con em tới lớp, tới trường và tạo đà cho giao thương phát triển.

Tận tâm với công việc mình làm và luôn mong muốn quê hương đổi thay từng ngày, cũng giống như anh Hờ A Do, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên - Lương Văn Thùy cũng đã trở thành hạt nhân thúc đẩy phong trào XDNTM phát triển, tạo sức lan tỏa tại địa phương.

Thôn Gốc Quân có 87% đồng bào dân tộc Tày sinh sống, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trước đây, con đường trục chính vào thôn rất nhỏ hẹp, mặt đường mấp mô sỏi đá, nắng bụi, mưa lầy nên người dân đi lại rất vất vả. 

Ước mơ về một con đường khang trang, sạch đẹp luôn là nỗi khát khao của tất cả người dân thôn Gốc Quân. Bởi vậy, khi chương trình XDNTM được triển khai thực hiện trên địa bàn xã Đông Cuông, ước mơ đó đã có cơ hội được thắp sáng. 

Phát huy vai trò cánh tay nối dài của Mặt trận, là "cầu nối” giữa Đảng với nhân dân, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Lương Văn Thùy đã cùng với các đồng chí trong Chi bộ và chi hội trưởng các hội, đoàn thể họp bàn triển khai phong trào làm đường giao thông nông thôn và tổ chức họp xin ý kiến người dân. Mọi công việc đều được thực hiện công khai, minh bạch; do đó, đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân. 

Dẫn chúng tôi đi thăm con đường bê tông phẳng lỳ, uốn lượn theo những triền đồi, ruộng lúa, Trưởng ban Công tác Mặt trận Lương Văn Thùy cho biết: "Con đường này  thấm đẫm mồ hôi, công sức của nhân dân trong thôn. Thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các hộ trong thôn ngoài tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 350.000 đồng, còn tự nguyện hiến hơn 1.300 m2 đất để mở đường, hơn 600 ngày công san gạt mặt bằng, vận chuyển cát, sỏi, hàng tháng tích cực quét dọn, vệ sinh đường. Nhờ đó mà bộ mặt của thôn đã đổi thay rõ nét. Nhân dân trong thôn phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.

Cùng với anh Thùy, anh Do, trong suốt nhiều năm qua, các cán bộ Mặt trận trên địa bàn tỉnh đã luôn đồng hành, nỗ lực từng ngày vì sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước. 

Phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, các cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đã luôn chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai các nội dung của Cuộc vận động đi vào chiều sâu, thực chất. 

Trong 5 năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã vận động, tiếp nhận, phân bổ và thực hiện chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ tặng trên 50.000 suất quà cho đối tượng nghèo, hộ gia đình chính sách, đối tượng khó khăn, tổng trị giá trên 16 tỷ đồng; xây dựng mới và duy trì 204 mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững; vận động, hỗ trợ giúp đỡ 475 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 giảm xuống còn 11,56%. 

Cùng với đó, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực đóng góp tiền của, công sức, hiến trên 707.000 m2 đất, 530.000 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, mương máng thủy lợi; tham gia đóng góp thực hiện trên 100 công trình, cơ sở hạ tầng nông thôn và mở trên 905 km đường giao thông nông thôn; thành lập được trên 4.000 tổ tự quản bảo vệ môi trường; 254 mô hình xử lý chất thải tại cộng đồng. 

Vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, MTTQ và các tổ chức thành viên đã động viên các hộ nông dân thành lập được hàng trăm các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tiếp tục phát huy nghề truyền thống địa phương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... 

Từ những nỗ lực, đóng góp của các cán bộ mặt trận, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” đã thu được kết quả quan trọng, huy động được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chung sức XDNTM, đô thị văn minh. 

Đến nay, toàn tỉnh có 67/150 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 44,66% số xã toàn tỉnh); 10/23 phường, thị trấn được công nhận chuẩn văn minh đô thị; huyện Trấn Yên được công nhận huyện NTM; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Đây là tiền đề, động lực để Yên Bái sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. 

Hồng Oanh